Tại sao ECB không thể “hawkish” như FED? EURUSD sẽ tiếp tục chịu áp lực?

Theo các nhà hoạch định chính sách của Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB), có sự khác biệt rõ rệt giữa lạm phát ở Hoa Kỳ và EU, và Chủ tịch Lagarde đang cân nhắc điều này.
Bà Lagarde cho biết trong cuộc họp mùa xuân của IMF và Ngân hàng Thế giới (WB) vào tuần trước rằng lạm phát tại EU được thúc đẩy nhiều hơn so với Mỹ.
Bà lý giải: “Các nền kinh tế của chúng tôi đang dịch chuyển với một tốc độ khác và lạm phát của chúng tôi cũng được thúc đẩy bởi các thành phần khác nhau. Kết quả là các phân tích của chúng tôi về gốc rễ vấn đề cũng phải khác.”
So sánh mức lãi suất chuẩn của EU (trục phải) và Mỹ (trục trái) - Nguồn: TradingEconomics
Tại EU, lạm phát hàng năm đã tăng tốc lên 7.4% vào tháng 3 - đánh dấu mức cao kỷ lục - và có khả năng nó sẽ còn tăng hơn nữa trước khi giảm trở lại, bà Lagarde lưu ý. Nhưng ECB không thể hành động như FED - tổ chức vốn đang đối mặt với lạm phát 8.5%, mức cao nhất trong 41 năm - bởi vì lạm phát của khu vực EU có sự khác biệt.
Chủ tịch ECB giải thích: “Khi nhìn vào các con số lạm phát cao hiện tại, bạn cần thấy rằng 50% trong số đó là đến từ giá năng lượng. Đó là một cú sốc về nguồn cung. Nếu nhìn vào mức lạm phát lõi (loại bỏ lương thực và năng lượng), nó chỉ còn khoảng 2.9%. Mặc dù vẫn cao hơn mục tiêu 2% của chúng tôi, nhưng có thể kiểm soát được. Lạm phát của chúng tôi được thúc đẩy bởi một cú sốc nguồn cung, nó đòi hỏi phản ứng kết hợp giữa chính sách tiền tệ và tài khoá cùng lúc.”
So sánh mức lạm phát lõi của EU (trục phải) và Mỹ (trục trái) - Nguồn: TradingEconomics
Lagarde đã trả lời lý do tại sao ECB không “hawkish” như Fed khi phải đối mặt với những con số lạm phát cao như hiện tại: “Chúng tôi không thể dùng cùng một bộ công cụ, với cùng một tốc độ và cùng một trình tự với loại lạm phát mà chúng tôi đang đối mặt… Nó cần được giải quyết một cách tuần tự, linh hoạt, và dần dần, và đó là những gì chúng tôi đang bắt đầu thực hiện.”
Chủ tịch FED Powell dường như đồng ý với bà Lagarde khi ông lưu ý rằng lạm phát là một vấn đề toàn cầu, nhưng có những khác biệt cơ bản giữa các khu vực, ông cũng chỉ ra rằng tăng trưởng và lạm phát lõi của Mỹ là cao hơn so với của EU. Do đó, FED cần phải quyết liệt hơn so với ECB.
Tăng trưởng của EU (trục phải) và Mỹ (trục trái) - Nguồn: TradingEconomics
Ông nói: “Ở Mỹ, chúng tôi đã kỳ vọng rằng lạm phát sẽ đạt đỉnh vào khoảng thời gian này và sẽ giảm xuống trong suốt năm tới. Có thể đỉnh điểm thực tế của lạm phát là vào tháng 3. Chúng tôi cũng sẽ không trông chờ vào sự trợ giúp từ việc chuỗi cung ứng được bình thường hoá, và nhanh chóng chuyển đến các mức lãi suất trung lập hơn, và đó thực sự là thắt chặt chính sách tiền tệ.”
Chủ tịch FED cũng báo hiệu khả năng có hai hoặc nhiều lần tăng lãi suất 0.5% tại các cuộc họp FOMC sắp tới. Sau những bình luận này, thị trường đang bắt đầu định giá khả năng tăng lãi suất 0.5% và tháng 5, 6 và cả tháng 7.
Trong khi đó, ECB có vẻ miễn cưỡng trong việc tăng tốc độ quá trình bình thường hoá chính sách của mình trong cuộc họp tháng 4 khi giữ nguyên lãi suất chuẩn và nhắc lại kế hoạch chấm dứt chương trình mua tài sản vào một thời điểm nào đó trong quý 3.
Nhìn chung, cả ECB và FED đều đã tận dụng cuộc họp mùa xuân của IMF và WB để giải thích cho đường lối chính sách của mình và không có những thay đổi nào. Và dù lý do có là gì, nó vẫn khẳng định rằng sự phân kỳ chính sách giữa FED và ECB ngày càng rộng, và điều đó sẽ tiếp tục gây áp lực lên EURUSD.