Tại VIB, mỗi chủ thẻ đều là chủ thẻ VIP

Ngân hàng Quốc Tế (VIB) có chế độ chăm sóc đặc biệt cho chủ thẻ tín dụng, ở đó, mỗi chủ thẻ đều là chủ thẻ VIP, đặc biệt là các khách hàng thường xuyên giao dịch…

Tại VIB mỗi chủ thẻ đều là chủ thẻ VIP, đặc biệt là các khách hàng thường xuyên giao dịch.

Ngân hàng Quốc Tế (VIB) có chế độ chăm sóc đặc biệt cho chủ thẻ tín dụng, ở đó, mỗi chủ thẻ đều là chủ thẻ VIP, đặc biệt là các khách hàng thường xuyên giao dịch. Theo bà Tường Nguyễn, Giám đốc Trung tâm thẻ.

Đặt mục tiêu chăm sóc khách hàng chu đáo là ưu tiên hàng đầu, Ngân hàng Quốc Tế (VIB) áp dụng nhiều chế độ đặc biệt cho chủ thẻ tín dụng. Bà Tường Nguyễn, Giám đốc Trung tâm thẻ VIB, chia sẻ về quan điểm và những phương thức để tối ưu hóa lợi ích và trải nghiệm của chủ thẻ tín dụng.

Những ưu tiên trong chăm sóc khách hàng là chủ thẻ tín dụng VIB?

VIB quan tâm đến chăm sóc khách hàng ở cả ba giai đoạn: nghiên cứu, phát triển sản phẩm, bán hàng và sau bán hàng. Ở bước đầu tiên là nghiên cứu phát triển sản phẩm, chúng tôi tập trung vào xác minh nhu cầu để cho ra sản phẩm tốt, phục vụ từng nhóm khách hàng.

Quy trình bán hàng, chúng tôi cũng mong muốn mang đến cho khách hàng dịch vụ tốt nhất trong thời gian ngắn nhất. Để làm được điều đó, chúng tôi điều chỉnh quy trình đáp ứng phê duyệt, phát hành nhanh nhất có thể. Gần đây, VIB ra mắt thẻ VIB Online Plus và Online Plus 2in1, khách hàng chỉ cần 15- 30 phút để được duyệt cấp thẻ, hạn mức tín dụng và có thông tin thẻ để bắt đầu chi tiêu ngay sau đó. Thẻ vật lý được phát hành đến nhà khách hàng sau chỉ 2 – 3 ngày thay vì phải chờ từ 5 – 7 ngày làm việc để nhận thẻ như thông thường trên thị trường hiện nay. Với thẻ thanh toán, khách hàng cũng có thể yêu cầu phát hành và nhận thẻ ngay tại quầy của VIB sau 5 phút.

Sau bán hàng, VIB chú trọng hai nhân tố: Lúc nào khách hàng có nhu cầu đều tiếp cận được với VIB và được VIB chăm sóc một cách chu đáo. Chúng tôi nỗ lực rút ngắn thời gian khách hàng chờ đợi thông qua tổng đài, hệ thống kinh doanh, cải tiến để luôn tiếp nhận nhu cầu, xử lý ngay lập tức. Về chăm sóc khách hàng, VIB thực hiện nhiều chương trình hỗ trợ.

Mới đây nhất, chúng tôi có chương trình “Mở khóa đặc quyền” cho khách hàng thường xuyên dùng thẻ tín dụng với rất nhiều đặc quyền như trợ lý riêng với Tổng đài hỗ trợ 24/7 cho các nhu cầu đơn giản trong cuộc sống như giới thiệu điểm tham quan; thông tin và hỗ trợ đặt chỗ về đường sắt, khách sạn, chuyến bay, đặt xe, phòng chờ sân bay; hỗ trợ giao hoa, tặng quà, …. hay đặc quyền nâng cấp hạng phòng miễn phí tại 40 resort/khách sạn trên toàn quốc, vàđặc quyền tài chính miễn hoàn toàn 10 loại phí giao dịch tại quầy và ngân hàng điện tử.

Ở khâu nghiên cứu và phát triển, VIB làm cách nào để cung cấp sản phẩm phù hợp với khách hàng?

Chúng tôi tìm hiểu các báo cáo khảo sát về hành vi người dùng của các tổ chức thẻ quốc tế như Mastercard, Visa. Báo cáo này cho thấy, nhu cầu của người dùng thay đổi liên tục và cần có sản phẩm đi vào thị trường ngách, phục vụ từng nhu cầu chuyên biệt. VIB có những nghiên cứu theo nhóm, khảo sát bằng phỏng vấn sâu để hiểu nhu cầu khách hàng và định vị tính năng phù hợp cho từng loại thẻ. Ví dụ, nghiên cứu nhóm khách hàng sở hữu ô tô chúng tôi cho ra mắt sản phẩm VIB Happy Drive, tặng chủ thẻ 500 lít xăng trong năm và hoàn tiền 30% phí dịch vụ tại trung tâm hoặc xưởng bảo dưỡng xe ô tô. Hay nghiên cứu nhón khách hàng chi tiêu trực tuyến, chúng tôi cho ra mắt VIB Online Plus hoàn tiền 6% mọi chi tiêu trực tuyến, và mở thẻ hoàn toàn tự động, chi tiêu ngay sau 15 phút.

Bà đánh giá thế nào về năng lực chăm sóc chủ thẻ VIB so với thị trường?

VIB định hướng chăm sóc từng khâu trong hành trình trải nghiệm của chủ thẻ. Cá nhân tôi quan sát thấy, các ngân hàng chăm sóc khách ở khâu bán hàng nhiều hơn sau bán hàng… Tất cả các ngân hàng đều có hỗ trợ sau bán hàng như tổng đài tư vấn, các chương trình ưu đãi… nhưng rất ít ngân hàng thực hiện toàn diện, đặt làm trọng tâm. Một số ngân hàng lại chỉ quan tâm nhóm khách VIP, có vốn tiền gửi lớn, chi tiêu hạn mức cao.

Với VIB, chủ thẻ tín dụng chi tiêu 15 triệu đồng một tháng đã được chăm sóc theo chế độ VIP. Chúng tôi không phân bậc khách hàng cực VIP mà đi vào chăm sóc khách hàng thường xuyên và sử dụng thẻ VIB như ngân hàng giao dịch chính. Với tất cả các chủ thẻ tín dụng, VIB có kênh tổng đài hỗ trợ 24/7, các chương trình ưu đãi hấp dẫn, ưu đãi thường niên của ngân hàng.

Vì sao VIB đầu tư nhiều cho việc chăm sóc khách hàng thân thiết?

VIB chú trọng khách hàng dùng thẻ VIB là công cụ thanh toán, tiêu dùng chính. Chúng tôi mong muốn mang đến những trải nghiệm đặc biệt, tiện dụng và nhiều lợi ích cho những người đồng hành thân thiết của mình. Từ đó, xây dựng mối quan hệ lâu dài và bền vững giữa hai bên.

Trong bối cảnh ngành ngân hàng khó khăn vì dịch bệnh kéo dài, VIB có những thay đổi gì trong chiến lược chăm sóc chủ thẻ?

Năm 2020, thời điểm xã hội ảnh hưởng nhiều vì dịch Covid-19 bùng phát, VIB triển khai nhiều chương trình đồng hành, chia sẻ với khách hàng đặc biệt là chủ thẻ tín dụng. Tháng 4/2020, dịch bệnh bùng phát dữ dội dẫn đến phải giãn cách xã hội, VIB ban hành gói hỗ trợ khách hàng thân thiết dùng thẻ tín dụng được tạm hoãn thanh toán hoặc thanh toán với số tiền nhỏ trong một thời gian nhất định tùy theo nhu cầu. VIB cũng có nhiều chương trình hoàn tiền cho các nhu cầu thiết yếu như chi tiêu tại siêu thị, hệ thống y tế, nhà thuốc để hỗ trợ khách hàng. Ngoài ra, chúng tôi thực hiện chương trình “Hỗ trợ tra soát khiếu nại nhanh”, và tiến hànhhoàn tiền giao dịch ngay lập tức không cần phải đợi 45-55 ngày như thông thường trên thị trường.

VIB có định hướng triển khai các hoạt động chăm sóc khách hàng thẻ trên nền tảng số như thế nào?

Trước khi dịch bệnh bùng phát, VIB đã đầu tư phát triển nền tảng số. Đầu 2020, chúng tôi phát hành các dòng thẻ tín dụng có thể đăng ký và phát hành trực tuyến để khách hàng không mất thời gian di chuyển, chờ đợi. Chúng tôi cũng phát triển ứng dụng MyVIB để khách hàng thực hiện nhiều dịch vụ thẻ: khóa thẻ, tra soát, kiểm tra số dư, thông tin, đăng ký đổi điểm, trả góp… nhanh chóng và tiện lợi mà không cần phải đến chờ đợi hay yêu cầu Ngân hàng thực hiện.

Bên cạnh đó, VIB đầu tư lớn cho tổng đài chăm sóc khách hàng. Theo thông lệ thị trường, khách hàng thường có 3 kênh để liên lạc với ngân hàng gồm: kênh thoại, kênh trò chuyện văn bản (chat) và kênh giao dịch số để tự thực hiện giao dịch. 

Trong đó, kênh được yêu thích nhất vẫn là kênh thoại vì khách hàng được phục vụ và giải đáp thắc mắc ngay. Ngoài tổng đài truyền thống, chúng tôi áp dụng công nghệ AI xây dựng trợ lý ảo để hỗ trợ khách hàng dự kiến triển khai vào quý II năm nay. Khách hàng có thể trao đổi với trợ lý ảo như tổng đài viên bình thường. Với các yêu cầu phức tạp, trợ lý ảo sẽ chuyển tổng đài viên tư vấn trực tiếp. 

Như vậy, đảm bảo liên lạc qua kênh tổng đài kịp thời, nhanh chóng. Hiện, tỉ lệ bắt máy của tổng đài VIB đạt mức 85% và hơn 90% khách hàng phản hồi hài lòng về chất lượng tổng đài.

Đầu tư cho chăm sóc khách hàng thẻ, VIB kỳ vọng điều gì?

Đầu tư ở cả ba khâu: nghiên cứu cho ra đời sản phẩm chất lượng, bán hàng và sau bán hàng hàng, chúng tôi mong muốn khách hàng thân thiết cảm nhận được sự tự chủ, nhiều ích lợi, thuận tiện, và an toàn của họ cùng VIB. Chúng tôi cũng tập trung nghiên cứu các nhóm khách hàng đặc trưng như: người thường xuyên đi du lịch, người sử dụng xe hơi, thích mua sắm… để cung cấp sản phẩm đặc thù với các lợi ích ưu việt phù hợp. 

Thông qua chương trình “Khách hàng giới thiệu khách hàng” được áp dụng, chúng tôi tin rằng sẽ có thêm nhiều hơn nữa những người yêu mến và sử dụng trung thành thẻ tín dụng VIB thông qua bạn bè, đồng nghiệp và người thân của họ – những người đã và đang có trải nghiệm tuyệt vời khi sử dụng và chi tiêu bằng thẻ tín dụng VIB.

VIB làm thế nào để nâng trải nghiệm của chủ thẻ trong tương lai?

Chúng tôi mong muốn chăm sóc khách hàng bằng những trải nghiệm tốt nhất, cá thể hóa nhất cho khách hàng. Chúng tôi đầu tư phát triển sản phẩm, kênh bán hàng và tập trung nâng cấp các nền tảng, áp dụng công nghệ cao và AI, Bigdata, công nghệ học máy … để khách hàng luôn kết nối được với VIB mọi lúc, mọi nơi một cách nhanh chóng và thuận lợi nhất. Những điều này là nền tảng vững chắc cho chiến lược trở thành ngân hàng dẫn đầu xu thế thẻ tại Việt Nam của VIB.

Khách sạn Đông Á tạm dừng hoạt động công ty con do kinh doanh không hiệu quả

Công ty TNHH Đông Á Nha Trang sẽ tạm ngừng kinh doanh từ ngày 20/3 đến ngày 31/12/2021 do ảnh hưởng của dịch bệnh dẫn tới kinh doanh không hiệu quả…

Công ty Cổ phần Tập đoàn Khách sạn Đông Á (mã DAH-HOSE) thông báo về việc tạm dừng hoạt động Công ty con.

Cụ thể: Công ty xác nhận Công ty TNHH Đông Á Nha Trang sẽ tạm ngừng kinh doanh từ ngày 20/3 đến ngày 31/12/2021 do ảnh hưởng của dịch bệnh dẫn tới kinh doanh không hiệu quả.

Kết thúc quý 4/2020, doanh thu thuần của DAH đạt gần 4,5 tỷ đồng, giảm 73% so với cùng kỳ năm 2019 (16,7 tỷ đồng) và lợi nhuận sau thuế âm hơn 14 tỷ đồng, cùng kỳ, công ty báo lỗ hơn 7 tỷ đồng.

Phía Công ty giải trình do ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19 và nâng cấp sửa chữa khách sạn làm cho doanh thu của Công ty giảm nhiều so với kỳ trước, dẫn tới lợi nhuận gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ của Công ty trên báo cáo tài chính hợp nhất quý 4/2020 giảm.

Lũy kế cả năm 2020, doanh thu thuần của DAH đạt 12,3 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm gần 90% so với năm 2019 (117,4 tỷ đồng) và lợi nhuận sau thuế âm 33,5 tỷ đồng, trong khi năm 2019, công ty báo lãi hơn 609 triệu đồng.

Tính đến ngày 31/12/2020, tiền và các khoản tương đương tiền giảm từ 3,7 tỷ xuống còn gần 2,2 tỷ đồng; vay và nợ thuê tài chính dài hạn tăng từ 176,5 tỷ lên 225,7 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế chưa phân phối âm 20,6 tỷ đồng – trong khi hồi đầu năm là hơn 13 tỷ đồng.

Trước tình hình Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, vắc xin phòng ngừa chưa được phổ biến rộng rãi và ngành du lịch chưa mở cửa đón du khách quốc tế, rất có thể khó khăn vẫn sẽ tiếp tục kéo dài với Khách sạn Đông Á trong năm 2021.

Dự kiến, tháng 4/2021, công ty sẽ tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông năm 2021 và ngày đăng ký cuối cùng là 09/04/2021.

15 ngân hàng Việt Nam được Moody’s nâng triển vọng tín nhiệm

Có khả năng Moody’s sẽ nâng xếp hạng dài hạn của 9 ngân hàng Việt Nam có xếp hạng triển vọng “Tích cực”…

Hãng xếp hạng tín nhiệm Moody’s mới đây đã xác nhận nâng triển vọng xếp hạng tiền gửi nội tệ & ngoại tệ dài hạn, và theo đó có thể áp dụng với xếp hạng nhà phát hành và các khoản vay không đảm bảo được ưu tiên trả nợ, đối với 15 ngân hàng Việt Nam.

Cụ thể, Moody’s đã điều chỉnh triển vọng xếp hạng nhà phát hành và tiền gửi nội tệ và ngoại tệ dài hạn của 5 ngân hàng từ “Tiêu cực” lên “Tích cực”, 4 ngân hàng được điều chỉnh từ “Ổn định” lên “Tích cực” và 6 ngân hàng từ “Tiêu cực” lên “Ổn định”.

Động thái này của Moody’s diễn ra ngày sau khi cơ quan này xác nhận giữ nguyên xếp hạng tín nhiệm nhà phát hành và các khoản vay không đảm bảo dài hạn được ưu tiên trả nợ của Chính phủ Việt Nam ở mức Ba3, đồng thời, nâng triển vọng từ “Tiêu cực” lên “Tích cực”.

Danh sách ngân hàng trong diện điều chỉnh bao gồm: Ngân hàng Thương mại Cổ phần An Bình (ABBANK), Ngân hàng Thương mại Cổ phần Á Châu (ACB), Ngân hàng Thương mại Cổ phần Phát triển Tp.HCM (HDBank), Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng Thương mại Cổ phần Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank), Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quân đội (MB), Ngân hàng Thương mại Cổ phần Phương Đông (OCB), Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đông Nam Á (SeABank), Ngân hàng Thương mại Cổ phần Tiên Phong (TPBank).

Cùng với đó là Ngân hàng Thương mại Cổ phần Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank), Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quốc tế Việt Nam (VIB), Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công thương Việt Nam (VietinBank), Ngân hàng Thương mại Cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), Ngân hàng Thương mại Cổ phần Kỹ thương Việt Nam (Techcombank).

Ngoại trừ ABBANK, xếp hạng đánh giá tín dụng cơ sở (BCA), BCA điều chỉnh, xếp hạng đánh giá rủi ro đối tác (CRA) và xếp hạng rủi ro đối tác (CRR) của các ngân hàng nêu trên đều không bị ảnh hưởng trong đợt điều chỉnh này.

Được biết, Moody’s đã hạ xếp hạng BCA và BCA điều chỉnh của ABBANK từ b1 xuống b2 do vốn tự có của ngân hàng này có thể bị ảnh hưởng bởi chi phí tín dụng cao hơn do tài sản có vấn đề ngày càng tăng. Trong khi đó, CRA và CRR dài hạn của ABBANK lần lượt bị hạ từ Ba3(cr) xuống B1(cr) và từ Ba3 xuống B1.

Với giả định tất cả các yếu tố khác không đổi, Moody’s có khả năng sẽ nâng xếp hạng dài hạn của 9 ngân hàng Việt Nam có xếp hạng triển vọng “Tích cực” nếu Chính phủ Việt Nam được nâng xếp hạng tín nhiệm.

Lãi giảm sau kiểm toán, quỹ ngoại bán ra 3,78 triệu cổ phiếu DXG

Trong đó, quỹ Grinling International Limited bán ra hơn 3,2 triệu cổ phiếu, quỹ Norges Bank bán ra 0,58 triệu cổ phiếu…

Tính đến ngày 31/12/2020, tổng tài sản của DXG tăng hơn 3.400 tỷ lên 23.311 tỷ đồng.

Công ty Cổ phần Tập đoàn Đất Xanh (mã DXG-HOSE) vừa báo cáo thay đổi về sở hữu của nhóm nhà đầu tư nước ngoài có liên quan là cổ đông lớn của DXG.

Cụ thể: nhóm quỹ liên quan Dragon Capital vừa bán ra 3,78 triệu cổ phiếu DXG. Sau giao dịch, Nhóm quỹ này giảm tỷ lệ sở hữu từ 90,15 triệu cổ phiếu, chiếm 17,3937% xuống còn 86,37 triệu cổ phiếu, chiếm 16,66%, giao dịch được thực hiện ngày 23/3.

Trong đó, quỹ Grinling International Limited bán ra hơn 3,2 triệu cổ phiếu, quỹ Norges Bank bán ra 0,58 triệu cổ phiếu. 

Trước đó, DXG công bố báo tài tài chính kiểm toán năm 2020 với lợi nhuận sau thuế âm thêm 63,8 tỷ đồng, tương ứng giảm 14,77% so với báo cáo tự lập, còn 495,7 tỷ đồng – trong khi cùng kỳ năm trước đạt gần 1.217 tỷ đồng.

Trong đó, lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ giảm 73% so với cùng kỳ còn 244,9 tỷ đồng. DXG cho biết., nguyên nhân là do hoạt động kinh doanh của công ty chịu tác động của đại dịch Covid 19 và công ty chưa kịp ghi nhận doanh thu – lợi nhuận từ các dự án do công ty làm chủ đầu tư đã triển khai bán hàng thành công. Đồng thời do việc gia tăng các khoản trích lập dự phòng tài chính, dự phòng nợ phải thu từ các đơn vị trong cùng hệ thống.

Cũng theo báo cáo tài chính năm 2020 đã kiểm toán, tiền và các khoản tương đương tiền tăng từ 739 tỷ lên 1.779,6 tỷ đồng; tổng tài sản tăng hơn 3.400 tỷ lên 23.311 tỷ đồng; Hàng tồn kho tăng từ 6.791 tỷ lên 10.252 tỷ đồng – trong đó, DXG đang có hơn 9.620 tỷ bất động sản dở dang, tập trung tại dự án Gem Sky World với 3.553 tỷ, Gem Riverside 1.558 tỷ và Opal Boulevard 1.199 tỷ đồng; Nợ phải trả tăng từ 10.653 tỷ lên 14.227 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối giảm từ 1.716 tỷ xuống còn hơn 841 tỷ đồng.

Mới đây, CTCP Dịch vụ Bất động sản Đất Xanh (DXS) là công ty con phát triển mảng dịch vụ môi giới của CTCP Tập đoàn Đất Xanh (DXG; sở hữu 84% cổ phần DXS tính đến tháng 2/2021) đã được Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước cấp giấy chứng nhận đăng ký chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) cho DXS với tổng số lượng 71,66 triệu cổ phiếu (bao gồm 35,83 triệu cổ phiếu do cổ đông hiện hữu chào bán và 35,83 triệu cổ phiếu sẽ phát hành mới).

Theo ban lãnh đạo của công ty, DXS sẽ thực hiện IPO trong tháng 4/2021 và dự kiến niêm yết cổ phiếu trên sàn HOSE sau khi IPO.

Vàng miếng bốc hơi 350.000 đồng/lượng, USD tự do vượt 23.900 đồng

Giá vàng thế giới sụt giảm đêm qua và sáng nay (19/3) do lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng mạnh…

Ảnh minh họa – Ảnh: Bloomberg.

Giá vàng thế giới sụt giảm đêm qua và sáng nay (19/3) do lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng mạnh, kéo giá vàng miếng trượt 350.000 đồng/lượng. Giá USD tự do tăng sau hai ngày giảm liên tiếp, tái lập mốc 23.900 đồng.

Lúc hơn 10h trưa, Tập đoàn DOJI niêm yết giá vàng miếng SJC cho thị trường Hà Nội ở mức 55 triệu đồng/lượng (mua vào) và 55,4 triệu đồng/lượng (bán ra), giảm 350.000 đồng/lượng so với sáng qua.

Tại thị trường Tp.HCM, Công ty SJC báo giá vàng miếng cùng thương hiệu ở mức 55,05 triệu đồng/lượng và 55,45 triệu đồng/lượng, giảm 250.000 đồng/lượng ở cả hai đầu giá.

Chênh lệch giữa giá vàng miếng SJC bán lẻ với giá vàng thế giới quy đổi sáng nay là 7,1 triệu đồng/lượng, so với mức chênh 6,8 triệu đồng/lượng vào sáng qua.

Giá các sản phẩm vàng 999,9 khác giảm khoảng 200.000 đồng/lượng so với sáng qua.

Nhẫn tròn Phú Quý được Tập đoàn Phú Quý báo giá ở mức 51,2 triệu đồng/lượng và 51,9 triệu đồng/lượng, giảm 200.000 đồng/lượng ở cả hai đầu giá. Nhẫn tròn Rồng Thăng Long của Công ty Bảo Tín Minh Châu có giá 51,56 triệu đồng/lượng và 52,11 triệu đồng/lượng, giảm tương ứng 200.000 đồng/lượng và 220.00 đồng/lượng.

Giá vàng giao ngay tại thị trường châu Á lúc gần 11h trưa theo giờ Việt Nam đứng ở 1.732,1 USD/oz, giảm 5,4 USD/oz so với đóng cửa phiên Mỹ đêm qua. Mức giá này tương đương khoảng 48,3 triệu đồng/lượng nếu được quy đổi theo giá USD bán ra tại Ngân hàng Vietcombank và chưa tính các chi phí liên quan.

Trong phiên Mỹ đêm qua, giá vàng giảm 9 USD/oz, tương đương giảm 0,5%, chốt ở 1.737,5 USD/oz.

Theo hãng tin Reuters, giá vàng đang đối mặt áp lực giảm từ lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng và đồng USD hồi giá. Trước khi giảm đêm qua và sáng nay, giá vàng thế giới đã đạt mức cao nhất kể từ đầu tháng trong phiên giao dịch ngày thứ Tư.

Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm đêm qua có lúc nhảy 11 điểm cơ bản, đạt 1,75%, cao nhất kể từ tháng 1/2020. Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 30 năm cũng có lúc tăng 6 điểm cơ bản, vượt ngưỡng 2,5% lần đầu tiên kể từ tháng 8/2019.

Giới phân tích cho rằng lạm phát tăng mạnh là bởi sau cuộc họp ngày 16-17/3, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) không phát tín hiệu nào cho thấy sẵn sàng can thiệp để “hạ nhiệt” lợi suất, mà thay vào đó Fed ngầm nói rằng sẵn sàng để tốc độ lạm phát vọt qua mức mục tiêu 2% ở một số thời điểm.

Chỉ số Dollar Index đo sức mạnh đồng USD sáng nay dao động quanh mức 91,9 điểm, từ mức 91,4 điểm vào sáng qua.

Trong nước, giá USD tự do tại Hà Nội sáng nay phổ biến ở mức 23.870 đồng (mua vào) và 23.920 đồng (bán ra), tăng 30 đồng so với sáng qua.

Giá USD niêm yết tại Vietcombank sáng nay không thay đổi so với hôm qua, đứng ở 22.980 đồng và 23.160 đồng.

“Chắc chắn không có việc PGBank sáp nhập vào MSB”

Khả năng sáp nhập PGBank vào MSB là một trong những câu hỏi được nhiều cổ đông MSB quan tâm tại đại hội thường niên …

Đây là khẳng định của ông Nguyễn Hoàng Linh, Tổng Giám đốc ngân hàng MSB tại Đại hội đồng cổ đông thường niên MSB năm 2021.

Trước đó, hồi trung tuần tháng 5/2020, một “tướng” của MSB là ông Hoàng Xuân Hiệp bất ngờ đầu quân cho PGBank và đảm nhiệm vai trò điều hành và xử lý các công việc của Khối Xử lý và Thu hồi nợ, Phòng Pháp chế và Tuân thủ.

Tiếp đến đầu tháng 11/2020, ông Nguyễn Phi Hùng, nguyên Phó Tổng giám đốc MSB cũng được bổ nhiệm làm Quyền Tổng giám đốc PGBank.

Sau diễn biến trên, thị trường đã đặt dấu hỏi cho việc liệu PGBank sẽ sáp nhập vào MSB.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Hoàng Linh cho biết, khi các nhân sự này chuyển sang PGBank thì đã chấm dứt hợp đồng lao động tại MSB do không còn phù hợp với kế hoạch kinh doanh ngân hàng, đặc biệt với kế hoạch thoái vốn tại FCCOM.

“Quả thật có một số lãnh đạo cũ của MSB đang làm sếp tại PGBank nhưng việc PGBank và MSB về một nhà là điều chắc chắn không thể xảy ra”, ông Linh chia sẻ.

Cũng tại đại hội, MSB đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2021 với tiêu lãi trước thuế đạt 3.280 tỷ đồng, tăng 30% so với năm 2020. Tổng tài sản tăng 8% lên 190.000 tỷ đồng, nợ xấu dưới 3% theo quy định của Ngân hàng Nhà nước

MSB cũng thông qua kế hoạch tăng vốn điều lệ từ 11.750 tỷ đồng lên 15.275 tỷ đồng bằng cách chia cổ tức 2020 bằng cổ phiếu với tỷ lệ 30%. Cổ tức năm 2021, ngân hàng dự kiến chia tỷ lệ tối thiểu 15%.

Với vốn điều lệ tăng thêm 3.525 tỷ đồng, MSB dự kiến sử dụng để bổ sung nguồn vốn trung, dài hạn cho các hoạt động cấp tín dụng, đầu tư trái phiếu chính phủ; đầu tư nâng cấp, cải tạo hệ thống chi nhánh, phòng giao dịch phục vụ hệ thống kênh bán hàng; nâng cao năng lực tài chính, thích ứng với biến động thị trường.

Đối với hoạt động của các công ty con, cuối tháng 12/2020, Hội đồng quản trị MSB đã có Nghị quyết về việc thoái vốn tại MSB AMC để tập trung vào lĩnh vực kinh doanh ngân hàng cốt lõi. Dự kiến giao dịch này sẽ được thực hiện trong năm 2021.

Với Công ty Tài chính TNHH MTV Cộng Đồng (FCCOM), với tổng tài sản gần 622 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu gần 607 tỷ đồng, FCCOM có dư nợ tín dụng 322 tỷ đồng, đem về doanh thu trong năm 2020, đạt 149 tỷ đồng, ghi nhận 2,3 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Tổng giám đốc MSB cho biết, trong bối cảnh nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid – 19, cho vay tiêu dùng trong thời gian qua gặp rất nhiều rủi ro. Do vậy, MSB đang lên kế hoạch chuyển nhượng công ty cho vay tiêu dùng này.

“Hiện ngân hàng đã làm việc với một số đối tác nước ngoài, hy vọng việc chuyển nhượng FCCOM sẽ được hoàn thành trong năm nay”, Tổng giám đốc MSB nói.

Được biết, riêng trong quý 1/2021, các chỉ tiêu kinh doanh của MSB đều tăng trưởng tốt. Trong đó, tiền gửi khách hàng đạt 92.000 tỷ đồng, tăng 11% so với đầu năm; dư nợ tín dụng là 9%, gần hết chỉ tiêu mà Ngân hàng Nhà nước giao là 10,5%; lợi nhuận trước thuế đạt 1.200 tỷ đồng. Các chỉ số ROA và ROE đạt lần lượt 1,7% và 10,3%, hệ số CAR theo Thông tư 41 đạt 9,9%, nợ xấu dưới 2%.

Hiện MSB đã hoàn tất ký độc quyền phân phối bảo hiểm kéo dài 15 năm với Prudential, đầu tháng 4 tới sẽ bắt đầu triển khai trên toàn quốc. Theo lãnh đạo MSB, việc hợp tác độc quyền với Prudential sẽ giúp ngân hàng có một khoản upfront tương đối lớn, giúp thực hiện xử lý một số khoản nợ xấu tồn đọng trong giai đoạn trước, ngoài ra, ngân hàng cũng sẽ có vốn để thực hiện 2 dự án trọng điểm là nâng cấp corebanking và digital factory trong 2 năm tới, đồng thời, đảm bảo tăng trưởng trong hoạt động bancassurance.

Đáng chú ý, đối với nợ quá hạn do ảnh hưởng của Covid – 19, MSB cho biết, nếu áp dụng theo thông tư 01 sửa đổi, tức thoái lãi 30% thì ngân hàng cũng chỉ phải thoái lãi 42 tỷ đồng.

Giá vàng thế giới đạt đỉnh 3 tuần, trong nước tăng 150.000 đồng/lượng

Tính cả tuần, giá vàng thế giới tăng 1,3%, đánh dấu tuần tăng thứ hai liên tiếp, trong khi giá vàng miếng trong nước đi xuống…

Ảnh minh họa – Ảnh: Bloomberg.

Giá vàng thế giới tăng trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu, đạt mức cao nhất trong khoảng 3 tuần, khi lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tạm dừng đà tăng và nhà đầu tư tin rằng giá vàng sẽ hưởng lợi từ mối lo lạm phát cũng như sự sụt giảm gần đây của thị trường chứng khoán.

“Vàng vững giá trên mức 1.730 USD/oz nhờ quan điểm mềm mỏng của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và căng thẳng Mỹ-Trung”, nhà phân tích Lukman Otunuga thuộc FXTM nói với trang MarketWatch. “Kim loại quý này vẫn đang được hỗ trợ bởi tâm lý thận trọng trên thị trường chứng khoán. Việc triển khai gói kích cầu của Tổng tống Joe Biden cũng giúp làm nhẹ bớt áp lực giảm đối với giá vàng”.

“Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã tái khẳng định lập trường rằng lãi suất sẽ không sớm tăng. Điều này sẽ có lợi cho một tài sản không mang lãi suất như vàng”, ông Otunuga nói. Dù vậy, vị chuyên gia này cho rằng kỳ vọng lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tiếp tục tăng có thể “hạn chế triển vọng tăng của giá vàng, nhất là khi lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm đạt mức cao nhất kể từ tháng 1/2020 trong tuần này”.

Lúc đóng cửa, giá vàng giao tháng 4 tại New York tăng 9,2 USD/oz, tương đương tăng 0,5%, đạt 1.741,7 USD/oz. Đây là mức giá cao nhất của vàng giao sau trên sàn COMEX kể từ hôm 25/2, theo dữ liệu từ FactSet.

Tính cả tuần, giá vàng giao sau tăng 1,3%, đánh dấu tuần tăng thứ hai liên tiếp.

Giá vàng giao ngay tại New York chốt phiên ngày thứ Sáu với mức tăng 8,4 USD/oz, tương đương tăng 0,5%, đạt 1.745,9 USD/oz.

Theo ông Peter Thomas, Phó chủ tịch Zaner Precious Metals, giá vàng “đã phải nỗ lực rất nhiều để tăng trong tuần này, bất chấp nhiều quỹ giao dịch hoán đổi (ETF) vàng xả hàng”.

Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm – sau khi tăng mạnh trong 7 tuần trở lại đây do kỳ vọng tăng trưởng kinh tế khởi sắc – đã chững lại trong phiên này, dao động gần đỉnh của 14 tháng ở 1,742%.

Lợi suất tăng mạnh trong phiên ngày thứ Năm, sau khi Fed tái khẳng định lập trường chính sách tiền tệ mềm mỏng trong cuộc họp ngày 16-17/3 nhưng không phát tín hiệu lo ngại nào về sự thắt chặt của các điều kiện tài chính trên thị trường. Lợi suất trái phiếu cao gây bất lợi cho giá vàng vì vàng là một tài sản không mang lợi suất.

“Sự giằng co giữa lợi suất trái phiếu tăng – nhân tố gây áp lực giảm giá vàng, và tâm trạng lo lắng trên tị trường chứng khoán – nhân tố hỗ trợ giá vàng, vẫn đang tiếp tục”, một báo cáo của ngân hàng Commerzbank nhận định.

Ngoài ra, một số nhà phân tích lập luận rằng, dù lợi suất trái phiếu tăng, vàng vẫn đang có sức hấp dẫn của một kênh đầu tư chống lạm phát, xét tới gói kích cầu 1,9 nghìn tỷ USD của chính quyền ông Biden và chính sách tiền tệ siêu nới lỏng của Fed – hai nhân tố được dự báo sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Mỹ trong năm nay.

Trong nước, giá vàng miếng SJC sáng nay tăng 150.000 đồng/lượng so với sáng qua.

Lúc hơn 9h sáng, Tập đoàn DOJI niêm yết giá vàng miếng SJC cho thị trường Hà Nội ở mức 55,15 triệu đồng/lượng (mua vào) và 55,6 triệu đồng/lượng (bán ra). Công ty SJC báo giá vàng miếng cùng thương hiệu cho thị trường Tp.HCM ở mức 55,1 triệu đồng/lượng và 55,6 triệu đồng/lượng.

Tính cả tuần, giá vàng miếng giảm khoảng 150.000 đồng/lượng. So với giá vàng thế giới quy đổi, giá vàng miếng SJC bán lẻ hiện cao hơn 6,9 triệu đồng/lượng.

Hơn 1,2 tỷ cổ phiếu SeABank chính thức giao dịch trên sàn HOSE

Kết thúc phiên giao dịch ATO, cổ phiếu SSB đã tăng trần gần 20% lên mức 20.150 đồng/cổ phiếu, tương đương giá trị vốn hóa của SeABank đạt hơn 24.356 tỷ đồng…

Kết thúc phiên ATO, cổ phiếu SSB đã tăng trần gần 20% lên mức 20.150 đồng/cổ phiếu.

Sáng 24/3/2021 tại Tp.HCM – Hơn 1,2 tỷ cổ phiếu của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đông Nam Á (SeABank) chính thức được niêm yết và giao dịch trên Sở Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM (HOSE) với mã chứng khoán SSB, giá tham chiếu 16.800 đồng/cổ phiếu, tương đương giá trị vốn hóa hơn 20.306 tỷ đồng. 

Việc niêm yết trên HOSE là sự kiện quan trọng nằm trong lộ trình phát triển của SeABank, góp phần nâng cao vị thế, uy tín của ngân hàng trên thị trường.

Kết thúc phiên giao dịch ATO, cổ phiếu SSB đã tăng trần gần 20% lên mức 20.150 đồng/cổ phiếu, tương đương giá trị vốn hóa của SeABank đạt hơn 24.356 tỷ đồng tương đương hơn 1,05 tỷ USD.

Theo đó, với số lượng cổ phiếu SSB niêm yết là 1.208.744.208 và giá tham chiếu 16.800 đồng/cổ phiếu (biên độ giao động +/- 20%), giá trị vốn hóa SeABank khi lên sàn sẽ đạt 20.306 tỷ đồng. SeABank là ngân hàng thứ 3 niêm yết trên sàn chứng khoán trong năm 2021. Kết thúc phiên ATO, cổ phiếu SSB đã tăng trần gần 20% lên mức 20.150 đồng/cổ phiếu, khớp lệnh 826.000 đơn vị, khối lượng lệnh dư mua trần trong phiên là hơn 10 triệu đơn vị. Với kết quả này đã đưa giá trị vốn hóa của SeABank đạt hơn 24.356 tỷ đồng, tương đương hơn 1,05 tỷ USD.

Bà Nguyễn Thị Nga – Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Quản trị SeABank cho biết: “Việc cổ phiếu SeABank niêm yết và giao dịch trên Sở Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM là sự kiện quan trọng nằm trong lộ trình phát triển ngân hàng, ghi nhận dấu ấn mới trong hoạt động của SeABank, khẳng định nội lực và củng cố vị thế thương hiệu trên thị trường, thể hiện tính minh bạch, thanh khoản của cổ phiếu và mang lại lợi ích tối đa cho cổ đông. Khi SeABank chính thức trở thành doanh nghiệp niêm yết và giao dịch trên sàn HOSE, với sự tham gia của hơn 1,2 tỷ cổ phiếu tiềm năng như SSB sẽ góp phần đa dạng hóa thị trường và giúp các nhà đầu tư trong và ngoài nước có thêm một mã cổ phiếu đầu tư hấp dẫn”.

Trải qua 27 năm phát triển, SeABank đã khẳng định được vị thế của một trong những ngân hàng tiêu biểu Việt Nam về quy mô vốn điều lệ (Top 10 các ngân hàng TMCP tư nhân), mức độ nhận biết thương hiệu, tốc độ tăng trưởng ổn định với mạng lưới hoạt động gần 180 điểm giao dịch, phục vụ gần 1,6 triệu khách hàng trên toàn quốc. Trong đó, nhiều cơ quan quản lý nhà nước đã tin tưởng hợp tác với SeABank như: được Kho bạc Nhà nước Việt Nam lựa chọn SeABank là ngân hàng thương mại cổ phần đầu tiên trong năm 2020 thực hiện triển khai thu ngân sách nhà nước và thanh toán song phương điện tử; SeABank được kết nối với Tổng cục Hải quan triển khai dịch vụ nộp thuế điện tử và thông quan 24/7. Điều này góp phần tạo thuận lợi tối đa và hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp nộp thuế.

Trong 3 năm liên tiếp, SeABank liên tục được đánh giá là một trong 17 tổ chức tín dụng có tầm ảnh hưởng quan trọng trong hệ thống ngân hàng. Bên cạnh đó SeABank được tổ chức xếp hạng tín nhiệm hàng đầu thế giới Moody’s xếp hạng tín nhiệm dài hạn mức B1 trong 3 năm liên tiếp, tương đương đánh giá SeABank có triển vọng phát triển ổn định. Đặc biệt, SeABank cũng là một trong 5 ngân hàng đầu tiên hoàn thành cả 3 trụ cột của Basel II trước thời hạn, giúp SeABank quản trị và điều hành hoạt động kinh doanh một cách chủ động, minh bạch, an toàn và bền vững.

Uy tín thương hiệu của SeABank còn được khẳng định thông qua nhiều danh hiệu, giải thưởng danh giá của Nhà nước, Chính phủ, các Bộ/Ban/Ngành, các tổ chức quốc tế và khách hàng. Tiêu biểu nhất là Huân chương Lao động Hạng Nhì của Chủ tịch nước, bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, được lựa chọn là Thương hiệu Quốc gia năm 2020 trong lĩnh vực dịch vụ tài chính ngân hàng.

SeABank cũng khẳng định thương hiệu uy tín với quốc tế thông qua các giải thưởng nổi bật như: Top 15 ngân hàng lớn và mạnh nhất Việt Nam và Top 500 ngân hàng lớn và mạnh nhất nhất khu vực Châu Á – Thái Bình Dương do tạp chí uy tín The Asian Banker trạo tặng; Top 30 công ty ứng dụng Công nghệ tốt nhất Châu Á 2020 do Tạp chí The Silicon Review vinh danh và; Nơi làm việc tốt nhất Việt Nam 2020 do Tạp chí Global Economics bình chọn cùng các giải thưởng như Ngân hàng có Dịch vụ khách hàng tốt nhất Việt Nam 2020; Ngân hàng số sáng tạo năm 2020…

SeABank là một trong những ngân hàng đi đầu trong việc ứng dụng công nghệ số trong vận hành hoạt động và áp dụng trí tuệ nhân tạo vào hoạt động hàng ngày để gia tăng trải nghiệm khách hàng, với các sản phẩm dịch vụ tiêu biểu như ứng dụng tài chính SeAMobile – trợ lý tài chính cá nhân, tổng đài ảo chăm sóc khách hàng, văn phòng điện tử, triển khai hệ thống SeATeller kết hợp dịch vụ eKYC và trí tuệ nhân tạo giúp tăng hiệu quả phục vụ khách hàng và giảm thời gian giao dịch…

Năm 2021, SeABank dự kiến tăng trưởng tài sản 10%, thu nhập lãi thuần tăng trưởng 15%, thu nhập ngoài lãi sẽ đạt mức tăng trưởng 50% và lợi nhuận trước thuế tăng trưởng 39,6% so với năm 2020. Lợi nhuận của Ngân hàng sẽ tiếp tục đến từ hoạt động kinh doanh, cho vay, hoạt động thu phí dịch vụ và các khoản thu ngoài lãi từ các hoạt động chủ yếu như hoạt động bảo hiểm, thu phí từ dịch vụ gia tăng từ tài khoản khách hàng, từ kênh giao dịch điện tử, dịch vụ thẻ; thu hút dòng tiền huy động không kỳ hạn để giảm chi phí vốn và tối ưu hóa/tiết kiệm chi phí hoạt động của hệ thống. Bên cạnh đó, ngân hàng tiếp tục triển khai chiến lược hội tụ số, đầu tư mạnh mẽ cho cộng nghệ để mang lại hiệu quả hoạt động và giao dịch, gia tăng trải nghiệm khách hàng.

Cần đầu tư bao nhiêu tiền để đẩy giá Bitcoin tăng 1%?

Ước tính chỉ cần 93 triệu USD vốn ròng chảy vào Bitcoin cũng có thể khiến giá tiền ảo này tăng 1%. Trong khi đó, để giá vàng tăng 1% cần tới gần 2 tỷ USD…

“Bitcoin cực kỳ nhạy cảm với nhu cầu tăng lên của đồng USD” – Ảnh: Getty Images

Theo Bloomberg, cơn sốt Bitcoin vẫn chưa có dấu hiệu giảm nhiệt khi giá tiền ảo này vẫn dao động quanh ngưỡng 57.000 USD, sau khi lập kỷ lục hơn 61.000 USD tuần trước. Dòng vốn chảy vào tiền ảo này được dự báo sẽ tiếp tục tăng mạnh thời gian tới.

Trong một báo cáo công bố tuần trước, các chiến lược gia của JPMorgan Chase & Co. ước tính dòng vốn bằng đồng USD từ các nhà đầu tư tổ chức chảy vào Bitcoin sẽ tăng 20% trong quý này so với quý trước. Trong khi đó, dòng vốn từ các nhà đầu tư bán lẻ tăng 90%. 

Các chiến lược gia của Bank of America Corp dự báo dòng vốn ồ ạt chảy vào Bitcoin có khả năng đẩy giá của tiền ảo này tăng mạnh hơn so với các tài sản khác. 

“Bitcoin cực kỳ nhạy cảm với nhu cầu tăng lên của đồng USD”, các chiến lược gia của  Bank of America nhận định. “Chúng tôi ước tính chỉ cần 93 triệu USD vốn ròng chảy vào Bitcoin cũng có thể khiến giá tiền ảo này tăng 1%. Trong khi đó, để giá vàng tăng 1% cần tới gần 2 tỷ USD – con số cao gấp gần 20 lần so với trường hợp Bitcoin”.

Phân tích tương tự cho thấy vốn ròng nhiều tỷ USD cũng không gây ảnh hưởng nhiều tới giá của trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn trên 20 năm. 

“Điều này cho thấy bản chất ổn định và quy mô lớn hơn nhiều của thị trường trái phiếu Mỹ”, nhóm chiến lược gia của Bank of America nhận xét. 

Giá Bitcoin đã tăng gấp đôi từ đầu năm nay khi cả các nhà đầu tư tổ chức lẫn nhà đầu tư cá nhân đua nhau rót tiền vào tiền ảo này. Một số khoản đầu tư lớn phải kể đến 1,5 tỷ USD của hãng xe điện Tesla, cùng hãng tỷ USD từ các công ty như Microstrategy, Mass Mutual và Square. 

Thời gian gần đây, tiền ảo bắt đầu nhận được sự tín nhiệm từ nhiều nhà đầu tư. Một số nhà đầu tư xem Bitcoin như một kênh đầu tư số thay thế cho vàng hoặc là một tài sản giúp chống lại rủi ro lạm phá do có nguồn cung hạn chế. Tuy nhiên, không ít người cho rằng cơn sốt Bitcoin thời gian qua là một bong bóng đầu cơ và tỏ ra quan ngại về những vấn đề như tiêu thụ năng lượng khi khai thác Bitcoin, giá trị thực tế của tiền ảo này…

“Bởi vì khoảng 95% tổng số Bitcoin đang lưu hành nằm trong tay của 2,4% tài khoản lớn nhất, cho nên tiền ảo này không thể được xem là một công cụ thanh toán hay thậm chí một công cụ đầu tư”, các chiến lược gia của Bank of America cảnh báo. 

Theo Bank of America, một nhân tố nữa cũng có khả năng đẩy giá Bitcoin lên cao là động thái “găm hàng” của các nhà đầu tư lớn nhất trên thị trường – thường được gọi là “cá mập”, hoặc những nhà đầu tư tổ chức chỉ mua vào Bitcoin chứ không bán ra. 

“Phân tích các bảng ghi chuỗi khối chi tiết, chúng tôi phát hiện ra rằng các tài khoản Bitcoin lớn nhất chưa từng bán ra kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát”, các chiến lược gia của Bank of America cho biết.

Theo một số nhà phân tích khác, diễn biễn giá của Bitcoin – tiền ảo với nhiều biến động và thanh khoản kém – đơn giản xuất phát từ các điều kiện của thị trường tại từng thời điểm.

“Dù phần lớn biến động giá Bitcoin là do tâm lý đầu cơ, những đợt tăng hoặc giảm giá mạnh có thể được giải thích là do thanh khoản kém ở cả hai chiều trong một thời điểm nhất định”, Jeffrey Halley, chiến lược gia cấp cao về thị trường châu Á – Thái Bình Dương tại công ty tài chính Oanda, cho biết.

Vinaconex tiếp tục muốn thoái hết vốn tại công ty con

VCG sẽ chuyển nhượng toàn bộ 11 triệu cổ phần, tương ứng 55% vốn điều lệ tại CTCP Phát triển Thương mại Vinaconex (VCTD)…

Tổng Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam – Vinaconex (mã VCG-HOSE) thông báo Quyết định của HĐQT về việc tái cấu trúc phần vốn tại CTCP Phát triển Thương mại Vinaconex (VCTD).

Theo đó, HĐQT VCG sẽ chuyển nhượng toàn bộ 11.000.000 cổ phần, tương ứng 55% vốn điều lệ tại VCTD. Sau khi thoái vốn, Tổng công ty sẽ không còn sở hữu cổ phần tại VCTD nữa. Hoạt động chính của VCTD là quản lý vận hành Trung tâm thương mại.

Bên cạnh đó, Vinaconex thông báo đã hoàn tất việc chuyển nhượng hết 4,9 triệu cổ phiếu Vinahud của CTCP Đầu tư Phát triển Nhà và Đô thị Vinaconex (mã VHD), tương ứng 70% vốn điều lệ tại Vinahud. Kể từ ngày 23/3, Vinahud không còn là công ty con của VCG.

Trước đó, VCG thông báo điều chỉnh phương án đầu tư vốn tại CTCP Xây dựng số 25 (mã VCC) với khối lượng nhận chuyển nhượng là 1.839.300 cổ phần, chiếm 15,33% vốn điều lệ của VCC. Sau khi mua thành công, lượng cổ phần sẽ nắm giữ tăng lên 7.595.300 cổ phần chiếm 66,33% vốn tại VCC.

Đồng thời, điều chỉnh phương án đầu tư vốn tại CTCP Đầu tư và Phát triển Điện Miền Bắc (mã ND2) với số lượng nhận chuyển nhượng tối đa là 6.430.961 cổ phiếu, chiếm 12,86% vốn tại ND2. Sau khi giao dịch thành công, số lượng cổ phần ND2 di VCG nắm giữ sẽ tăng lên 25.546.575 cổ phần, chiếm 51,1% vốn điều lệ tại ND2. Hai giao dịch trên được thực hiện trong quý 2/2021.

Trong năm 2020, VCG ghi nhận doanh thu hợp nhất đạt 5.495,4 tỷ đồng, giảm 42,2% so với thực hiện năm 2019 (9.502,3 tỷ đồng) và lợi nhuận sau thuế đạt 1.712,2 tỷ đồng, tăng 117,6% so với cùng kỳ (787 tỷ đồng) và hoàn thành gấp gần 2,1 lần kế hoạch đề ra.

Ngày 27/4 tới, Công ty sẽ tổ chức họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2021 tại Hội trường số 2104, tầng 21, Toà nhà Vinaconex, 34 Láng Hạ, Hà Nội.

Lãi suất cao gần gấp đôi Mỹ, trái phiếu Trung Quốc hút vốn ngoại

Trái phiếu Trung Quốc, đặc biệt là trái phiếu chính phủ đang thu hút dòng vốn lớn từ khối ngoại nhờ lợi suất cao…

Chênh lệch lợi suất lớn khiến các nhà đầu tư Mỹ đổ xô vào trái phiếu Trung Quốc để kiếm lời – Ảnh: Getty Images

Dù căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc, các nhà đầu tư Mỹ vẫn nằm trong nhóm nhà đầu tư nước ngoài quan tâm tới Trung Quốc, đặc biệt là thị trường trái phiếu.

Theo CNBC, trái phiếu chính phủ Trung Quốc tiếp tục thu hút nhà đầu tư ngoại, với lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm đang ở mức trên 3,2%. Ngược lại, trái phiếu chính phủ Mỹ 10 năm hiện có mức lợi suất chỉ 1,7%. Chênh lệch lợi suất lớn khiến các nhà đầu tư Mỹ đổ xô vào trái phiếu Trung Quốc để kiếm lời. 

“Các nhà đầu tư Mỹ đang rất quan tâm tới thị trường Trung Quốc. Đặc biệt là thị trường trái phiếu với lợi suất tăng”, Tao Wang, nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á tại UBS, cho biết tại một sự kiện tài chính tuần trước. 

Bà Wang cho biết, trong khi “trái phiếu Trung Quốc có lợi suất cao và ổn định”, trái phiếu của một số quốc gia khác có lãi suất âm khi chính phủ vẫn đang áp dụng các biện pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. 

Hiện tại, không có dữ liệu cụ thể về giá trị nắm giữ của các nhà đầu tư Mỹ. Tuy nhiên, theo Reuters, tính tới cuối tháng 2, nhà đầu tư ngoại nắm giữ khoảng 3,5% trái phiếu bằng đồng Nhân dân tệ. Trong đó, khối ngoại hiện nắm giữ khoảng 10,5% trái phiếu chính phủ Trung Quốc. 

Dữ liệu từ Wind Information cho thấy chỉ trong 2 năm, giá trị trái phiếu chính phủ Trung Quốc trong tay các nhà đầu tư nước ngoài đã tăng gần gấp đôi lên hơn 2.000 tỷ Nhân dân tệ (307,7 tỷ USD). 

Nhu cầu ngày càng tăng với hàng tỷ USD chảy vào thị trường khi trái phiếu Trung Quốc được đưa vào các chỉ số lớn được giới đầu tư toàn cầu theo dõi. 

Theo Jason Pang, quản lý danh mục đầu tư lợi nhuận cố định châu Á tại quỹ China Bond Opportunities Fund, thuộc J.P. Morgan Asset Management cho biết trong vài tháng qua, quỹ này đẩy mạnh đầu tư vào trái phiếu Trung Quốc. 

“Chẳng có lý do gì để không bám lấy thị trường này”, ông Pang nói và cho biết kinh tế Trung Quốc đang phục hồi tăng trưởng sau đại dịch nhanh hơn các quốc gia khác. Bên cạnh đó, theo Pang, khả năng xảy ra “một đợt bán tháo trái phiếu lớn tại Trung Quốc thấp hơn nhiều so với phần còn lại của thế giới”. 

Tuy vậy, quản lý danh mục đầu tư của China Bond Opportunities Fund cho biết phần lớn đầu tư chảy vào thị trường trái phiếu Trung Quốc “vẫn đang ở giai đoạn thử nghiệm” bởi nhà đầu tư nước ngoài cần thời gian để tìm hiểu thêm về thị trường. 

Vàng trong nước neo giá, đẩy USD tự do sát mốc 24.000 đồng

Việc giá vàng miếng giữ khoảng chênh lệch lớn với giá vàng quốc tế được xem là một nguyên nhân đẩy giá USD tự do tăng cao…

Diễn biến giá vàng tương lai.Nguồn: Tradingview.

Giá vàng thế giới khởi động tuần giao dịch mới trong xu thế đi xuống, khiến giá vàng miếng trong nước sáng nay (22/3) giảm theo. Giá USD tự do lên gần 24.000 đồng, trong khi giá USD niêm yết tại một số ngân hàng thương mại chỉ tăng nhẹ.

Lúc gần 10h trưa, Tập đoàn DOJI niêm yết giá vàng miếng SJC cho thị trường Hà Nội ở mức 55,1 triệu đồng/lượng (mua vào) và 55,55 triệu đồng/lượng (bán ra). Tại thị trường Tp.HCM, Công ty SJC cũng báo giá vàng miếng cùng thương hiệu ở mức 55,1 triệu đồng/lượng và 55,55 triệu đồng/lượng.

So với cuối tuần, giá vàng miếng bán lẻ hiện giảm 50.000 đồng/lượng tại cả DOJI và SJC.

Giá các sản phẩm vàng 999,9 khác dao động quanh ngưỡng 52 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra.

Nhẫn tròn Phú Quý của Tập đoàn Phú Quý có giá 51 triệu đồng/lượng và 51,8 triệu đồng/lượng. Nhẫn tròn Rồng Thăng Long của Công ty Bảo Tín Minh Châu có giá 51,56 triệu đồng/lượng và 52,16 triệu đồng/lượng.

So với giá vàng thế giới quy đổi, giá vàng miếng bán lẻ sáng nay cao hơn khoảng 7 triệu đồng/lượng. Việc giá vàng miếng giữ khoảng chênh lệch lớn với giá vàng quốc tế được xem là một nguyên nhân đẩy giá USD tự do tăng cao thời gian gần đây.

Sáng nay, giá USD tự do tại Hà Nội phổ biến ở mức 23.940 đồng (mua vào) và 23.980 đồng (bán ra), cao hơn tương ứng 70 đồng và 60 đồng so với hôm thứ Sáu.

Giá USD niêm yết tại Ngân hàng Vietcombank tăng 5 đồng, lên mức 22.985 đồng và 23.165 đồng.

Giá vàng giao ngay tại thị trường châu Á lúc hơn 10h trưa nay theo giờ Việt Nam đứng ở 1.738,3 USD/oz, giảm 7,6 USD/oz, tương đương giảm hơn 0,4%, so với đóng cửa phiên cuối tuần trước tại New York. Mức giá này tương đương khoảng 48,5 triệu đồng/lượng nếu được quy đổi theo tỷ giá USD bán ra tại Vietcombank và chưa tính các chi phí liên quan.

Trong tuần trước, giá vàng thế giới tăng khoảng 1,3%, đánh dấu tuần tăng thứ hai liên tiếp. Phiên ngày thứ Sáu, giá vàng đạt mức cao nhất trong khoảng 3 tuần, khi lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tạm dừng đà tăng và nhà đầu tư tin rằng giá vàng sẽ hưởng lợi từ mối lo lạm phát cũng như sự sụt giảm gần đây của thị trường chứng khoán Phố Wall.

Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng áp lực giảm đối với giá vàng vẫn còn lớn, vì lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ vẫn đang dao động gần ngưỡng đỉnh của 13 tháng là 1,75% thiết lập trong tuần trước.

Đồng USD cũng đang có chiều hướng tăng trở lại, gây thêm sức ép mất giá lên vàng. Sáng nay, chỉ số Dollar Index dao động quanh mốc 92 điểm, từ mức 91,9 điểm vào cuối tuần vừa rồi. Tuần trước, chỉ số này tăng gần 0,2%, dù “hạ nhiệt” vào cuối tuần.

Về triển vọng giá vàng tuần này, chiến lược gia Phillip Streible của Blue Line Futures nhận định với trang Kitco News rằng khả năng dịch chuyển của giá vàng theo hướng tăng và giảm là tương đương nhau. “Giá vàng có thể dễ dàng giảm dưới 1.700 USD/oz nếu lợi suất trái phiếu tiếp tục tăng. Nhưng nếu giá vàng vượt 1.750 USD/oz, một đợt tăng giá mới có thể bắt đầu”, ông Streible nói.

Blog chứng khoán: Lo lắng âm ỉ, tốt nhất là chạy

Một sự lo lắng âm ỉ lan truyền trên thị trường từ chiều qua. Nhu cầu thoát ra tăng đột biến kết hợp với quá nhiều lần thị trường không thể bùng nổ được…

Hi vọng thị trường vẫn giữ được biên độ dao động hiện tại.

Hôm dự sẽ là một ngày giảm, ức chế đang lên rất cao chưa kể chứng thế giới cũng giảm. Điều khó đoán là cường độ.

Ngay đầu phiên VN30 đã rơi sâu, xuyên qua 2 mức hỗ trợ đầu tiên ở 1181.xx, 1177.xx và chớm qua 1173.xx sau đó vòng lên. Đợi VN30 qua 1173, Long 1175 với kịch bản VN30 sẽ nảy lên 1181.xx. Chỉ số cũng hướng tới gần mốc này (cao nhất tới 1179.47) nhưng F1 bắt đầu chiết khấu. Chỉ số sau đó lùi lại chạm 1173 và lần này nảy yếu hơn, còn không qua 1177.xx. Như vậy là kém, cắt lỗ 1175.

Setup Short tốt xuất hiện khoảng 10h50 khi VN30 giảm xuống dưới 1173.xx, basis chuyển sang dương. Kịch bản là nếu VN30 giữ được 1173.xx thì có thể dao động trong khoảng tới 1177.xx. F1 cũng có đỉnh quanh 1177-1178 trước đó. Short 1175.1, stoploss 1178 hoặc VN30 vượt 1177. Trong trường hợp tốt, VN30 có thể xuống tối thiểu 1168. Nếu thủng 1168 thì sẽ khủng khiếp vì hỗ trợ kế tiếp rất sâu, khoảng 1161.xx. Đây là ngưỡng dự kiến hôm qua rằng thị trường biến động chỉ đến cỡ đó đã là ghê rồi.

Thị trường sau đó đi rất tốt, basis chuyển sang âm, vì Long cover dữ dội, toàn lệnh to. Đến gần hết phiên sáng VN30 vẫn chưa tới 1161, cover 1160, tránh giờ nghỉ trưa. Buổi chiều thị trường tắc, không giao dịch.

Blog chứng khoán: Lo lắng âm ỉ, tốt nhất là chạy - Ảnh 1.

F1 cuối phiên hôm nay phát đi kỳ vọng phục hồi ngày mai.

Biến động trên thị trường cơ sở hôm nay rất mạnh, vượt dự kiến. Thực ra khi đã không vượt qua được cận trên của vùng dao động thì nguy cơ cao sẽ tìm xuống cận dưới, nghĩa là dư địa giảm vẫn còn nhiều. Chỉ là một ngày rơi tới vài chục điểm thì hơi bất ngờ.

Tuy vậy, không thể lường trước được áp lực giải tỏa ức chế sẽ mạnh đến đâu. Hôm nay người cầm cổ nháo nhào bán ra, nhất là nhóm ngân hàng đã tăng tốt trước đó. Hôm qua đã không có khả năng xoay trụ, hôm nay các mã như VHM, VNM, VIC, HPG, MSN, VJC… toàn các trụ của VN30 giảm cực mạnh thì biên độ tăng lên cũng là điều bình thường.

Thị trường cũng đang loan đi thông tin bất lợi, nhưng đó chỉ là yếu tố mang tính thúc đẩy. Quan trọng là cầu bị tắc nghẽn do hệ thống không cho phép lệnh bắt đáy vào. Việc nghẽn chiều bán sẽ gây tác động xấu hơn rất nhiều so với nghẽn chiều tăng vì lúc này liên quan trực tiếp đến tiền. Lỗ là lỗ thật chứ không chỉ là mất cơ hội khi không mua được.

4 phiên giảm liên tục thực ra cũng chưa khiến thị trường xấu đi đến mức hết hi vọng. Đây cũng vẫn chỉ là các dao động bình thường trong biên độ đi ngang như cả tháng nay mà thôi. Cường độ có mạnh lên, nhưng chưa phá vỡ vùng tích lũy thì cũng chưa có gì đáng sợ. Khi giảm sâu nhất đến gần cận dưới của vùng dao đông thì hệ thống nghẽn nên cũng không rõ cầu vào lớn đến mức nào. Điều này sẽ được kiểm định trong phiên ngày mai, khi hệ thống thông suốt trong buổi sáng.

Hiện sức ép lớn nhất vẫn là ở nhóm cổ phiếu ngân hàng, mức điều chỉnh chưa phải là đủ. Nếu thông tin đồn thổi là đúng thì nhóm này có thể còn giảm nữa. Nói chung điều quan trọng nhất là cảm nhận về thị trường đang ngày một xấu đi. Cơ hội lợi nhuận ngắn hạn hầu như không có trong 1 tuần gần đây. Việc lựa chọn được cổ phiếu tăng rất khó, thậm chí ngay cả khi VNI vượt 1.200 điểm hôm 18/3 vừa qua thì VN100 cũng không tới một nửa có lãi T3 tới 1%. Dĩ nhiên đến hôm nay thì hầu hết là lỗ.

Thêm nữa hệ thống giao dịch khiến ức chế ngày càng tăng. Việc sửa hệ thống còn mờ mịt chưa biết đến bao giờ. Lúc này mới thấy giá trị của việc hệ thống giao dịch thông suốt. Giá như cứ lựa chọn nâng lô tạm thời lên 1000 trong 3 tháng đến lúc sửa xong hệ thống thì có khi thị trường đã bùng nổ từ lâu rồi! Giải pháp lựa chọn quá ít thì lúc nào chả gây tác dụng phụ, thuốc nào mà không đắng?

Phái sinh cuối phiên hôm nay đã phát tín hiệu kỳ vọng thị trường giữ được cận dưới của vùng dao động. F1 mở basis lên +5,2 điểm. Có khả năng thị trường sẽ phục hồi vào phiên kế tiếp. Tuy vậy khả năng ổn định cần phải trải qua thử thách đã vì vẫn còn rủi ro đang treo.

VN30 chốt hôm nay tại 1165,61, cản gần nhất là 1168; 1174; 1178; 1183. Hỗ trợ 1161; 1157; 1152; 1150; 1144; 1141; 1136. Các mốc này có giá trị cho cả VNI.

“Blog chứng khoán” mang tính chất cá nhân và không đại diện cho ý kiến của VnEconomy. Những quan điểm, đánh giá là của cá nhân nhà đầu tư và VnEconomy tôn trọng quan điểm cũng như văn phong của tác giả. VnEconomy và tác giả không chịu trách nhiệm về những vấn đề phát sinh liên quan đến các đánh giá và quan điểm đầu tư được đăng tải.

Deutsche Bank: “Bitcoin sẽ tiếp tục biến động cực mạnh do khả năng giao dịch hạn chế”

Nguồn cung hạn chế, thanh khoản kém, dễ chịu ảnh hưởng bởi các nhà đầu tư lớn trên thị trường là những rào sản lớn của Bitcoin …

Bitcoin nguồn cung giới hạn 21 triệu đồng – Ảnh: Getty Images

Trong một báo cáo mới công bố, ngân hàng Deutsche Bank của Đức dự báo Bitcoin sẽ tiếp tục “biến động cực mạnh” do khả năng giao dịch hạn chế. Ngân hàng này cũng dự báo rằng chỉ cần một vài khoản rót vốn hoặc thoái vốn lớn cũng có thể ảnh hưởng đáng kể đến trạng thái cân bằng cung – cầu của tiền ảo này. 

Báo cáo của Deutsche Bank chỉ ra rào cản lớn của Bitcoin chính là khả năng thanh khoản kém, với nguồn cung chỉ 21 triệu đồng. Đến thời điểm này, 18,7 triệu Bitcoin đang được lưu thông trên thị trường, tức 89% tổng nguồn cung. Theo dự báo, thời điểm thị trường lưu thông toàn bộ 21 triệu Bitcoin sẽ là năm 2140. 

“Với tư cách một tài sản đầu tư, tính thanh khoản của Bitcoin rất thấp”, báo cáo của ngân hàng Đức chỉ ra. “Năm 2020, các nhà đầu tư đã sang tay khoảng 28 triệu Bitcoin, tương đương 150% số Bitcoin đang lưu thông. Trong khi đó, tỷ lệ này của cổ phiếu Apple là 270%. 

Báo cáo cũng cho rằng sự so sánh giữa vàng và Bitcoin – thường được xem là vàng điện tử, thường được nhìn ở góc độ nguồn cung. Cả vàng và Bitcoin đều có nguồn cung hạn chế, do đó nhu cầu trở thành một động lực chính thức đẩy giá tăng. 

Deutsche Bank cũng đặt nghi vấn xoay quanh cơn sốt Bitcoin thời gian gần đây và liệu rằng điều này có đủ để Bitcoin trở thành một tài sản hay không. Tuy nhiên, ngân hàng Đức dự báo bước ngoặt đối với tiền ảo lớn nhất thị trường có thể sẽ chỉ xảy ra trong 2-3 năm tới, sau khi có nhiều thông tin rõ ràng hơn. 

“Việc vốn hóa của Bitcoin đạt 1.000 tỷ USD gây chú ý quá lớn”, nhóm phân tích của Deutsche Bank viết trong báo cáo. “Một số người bắt đầu xem Bitcoin như một loại hàng hóa. Một số người cho nó là tiền tệ. Một số khác nghĩ nó là cổ phiếu. Tuy nhiên, vốn hóa của Bitcoin đã nằm trong top 10, kể cả khi xét là tiền tệ hay cổ phiếu”. 

Giá Bitcoin tăng chóng mặt thời gian qua với mức tăng lên tới 600% từ đầu năm đến nay. Trong tháng 3, tiền ảo này lập lục giá hơn 60.000 USD và vốn hóa một nữa vượt mức 1.000 tỷ USD. Chiều 22/3 (giờ Việt Nam), đồng Bitcoin giao dịch ở mức giá 57.816 USD.

Thời gian gần đây, tiền ảo bắt đầu nhận được sự tín nhiệm từ nhiều nhà đầu tư. Một số nhà đầu tư xem Bitcoin như một kênh đầu tư số thay thế cho vàng hoặc là một tài sản giúp chống lại rủi ro lạm phá do có nguồn cung hạn chế. Tuy nhiên, không ít người cho rằng cơn sốt Bitcoin thời gian qua là một bong bóng đầu cơ và tỏ ra quan ngại về những vấn đề như tiêu thụ năng lượng khi khai thác Bitcoin, giá trị thực tế của tiền ảo này.

Các chiến lược gia của Bank of America mới đây cũng cảnh báo rằng tiền ảo này không thể được xem là một công cụ thanh toán hay thậm chí một công cụ đầu tư bởi hiện khoảng 95% tổng số Bitcoin đang lưu hành nằm trong tay của 2,4% tài khoản lớn nhất.

Theo một số nhà phân tích khác, diễn biến giá của Bitcoin – tiền ảo với nhiều biến động và thanh khoản kém – đơn giản xuất phát từ các điều kiện của thị trường tại từng thời điểm.

“Dù phần lớn biến động giá Bitcoin là do tâm lý đầu cơ, những đợt tăng hoặc giảm giá mạnh có thể được giải thích là do thanh khoản kém ở cả hai chiều trong một thời điểm nhất định”, Jeffrey Halley, chiến lược gia cấp cao về thị trường châu Á – Thái Bình Dương tại công ty tài chính Oanda, nhận định.