Lợi nhuận VN30 sẽ tăng tốc trong năm 2021

Năm 2021, lợi nhuận sau thuế của nhóm VN30 được dự báo tăng 20,4% nhờ sự hồi phục mạnh mẽ của nhóm doanh nghiệp đầu ngành…

Một báo cáo mới đây của FiinGroup đã đưa ra những dự báo về triển vọng lợi nhuận sau thuế năm 2021 của các nhóm ngành, trong đó triển vọng của nhóm VN30 được đánh giá sẽ tăng tốc tốt so với giai đoạn 2020.

VN30 bao gồm các doanh nghiệp đầu ngành và chiếm tới 70% vốn hóa của tất cả các doanh nghiệp trên HOSE và 52,1% vốn hóa trên cả 3 sàn chứng khoán. Việc phân tích được triển vọng của VN30 sẽ giúp nhà đầu tư có được quan điểm đầu tư rõ hơn và triển vọng chung của cả thị trường đến cuối năm 2021 này.

Theo báo cáo này, năm 2021, lợi nhuận sau thuế của nhóm VN30 được dự báo tăng 20,4%, tăng tốc so với năm 2020 (1,7%), chủ yếu nhờ sự hồi phục mạnh mẽ của nhóm doanh nghiệp đầu ngành.

Lợi nhuận VN30 sẽ tăng tốc trong năm 2021 - Ảnh 1.

Dự báo Tăng trưởng lợi nhuận sau thuế 2021 của nhóm VN30. Nguồn: FiinGroup

Khối Ngân hàng dự kiến tăng trưởng lợi nhuận ở mức 17,1%. Trong khi đó, lợi nhuận kế toán của khối Phi tài chính được kỳ vọng tăng 24,7%, không chỉ đến từ Bất động sản (nhóm VIC), Thực phẩm và Đồ uống (MSN) mà còn đến từ nhóm Dầu khí (GAS và PLX).

Triển vọng Lợi nhuận 2021 tích cực đã giúp đưa định giá của nhiều cổ phiếu trong nhóm VN30 về mức khá hấp dẫn so với giai đoạn trước Covid-19. Theo tính toán của FiinGroup, VN30 có PE forward (dự báo) ở mức 14,4x (hiện nay ở mức 16x) và P/B forward (dự báo) ở mức 2,5x (hiện ở mức 2,8x). 

Dù tăng tốc so với năm 2020 nhưng so với các doanh nghiệp ngoài VN30, mức tăng dự báo 20,4% không phải là mạnh. Năm 2021, lợi nhuận sau thuế khối Phi tài chính được dự báo tăng 23,2% trong khi tăng trưởng của Ngân hàng là 18,2%. 

Một số nhóm ngành có triển vọng hồi phục mạnh sau Covid-19 như bất động sản khu vực ven đô nhờ nhu cầu nhà ở tăng lên trong bối cảnh nguồn cung nội đô khan hiếm và ngành bán lẻ với kỳ vọng chi tiêu cho các sản phẩm không thiết yếu gia tăng nhờ thu nhập người dân cải thiện sau Covid-19.

Lợi nhuận VN30 sẽ tăng tốc trong năm 2021 - Ảnh 2.

Dự báo Tăng trưởng và Định giá năm 2021 theo nhóm ngành

Cùng với đó, nhu cầu tiêu thụ điện nước (tại các cơ sở sản xuất) và đi lại (của người dân) tăng trở lại sau khi Covid-19 dần được kiểm soát sẽ hỗ trợ tăng trưởng lợi nhuận của nhóm Tiện ích và Du lịch & Giải trí. Với Dầu khí, lợi nhuận sau thuế dự báo tăng 326,9% nhờ triển vọng giá dầu tăng (+55,5% theo dự báo của giới phân tích quốc tế) và nhu cầu tiêu thụ hồi phục trong khi nguồn cung được cắt giảm.

Khi tiền không còn rẻ: Lời cảnh báo “lạnh gáy” từ chứng khoán Trung Quốc

Chỉ số CSI 300 của chứng khoán Trung Quốc đã sụt 15% sau khi đạt đỉnh 13 năm vào tháng trước, do nỗi lo về chính sách tiền tệ thắt lại…

Ảnh minh họa – Ảnh: Bloomberg.

Thị trường chứng khoán Trung Quốc đang cho thế giới thấy điều gì sẽ xảy ra khi các ngân hàng trung ương và chính phủ bắt đầu rút khỏi các biện pháp kích thích tăng trưởng vượt đại dịch Covid-19. Và điều này chẳng hề dễ chịu chút nào.

Theo hãng tin Bloomberg, chỉ số CSI 300 của chứng khoán Trung Quốc đã sụt 15% sau khi đạt đỉnh 13 năm vào tháng trước, do nỗi lo về chính sách tiền tệ thắt lại thay thế cho lạc quan về phục hồi kinh tế.

Cũng giống như ở nhiều thị trường khác, đà tăng lên đỉnh của chứng khoán Trung Quốc đã được thúc đẩy bởi việc các nhà đầu tư săn lùng một số ít mã cổ phiếu, trong đó có những nhà đầu tư gia nhập thị trường vào lúc gần đỉnh. Trong tháng 3 này, CSI 300 “đuối” so với chỉ số MSCI của chứng khoán toàn cầu với một khoảng cách tụt hậu rộng nhất kể từ năm 2016. Cùng với đó, những quỹ tương hỗ (mutual fund) đình đám nhất trên thị trường chứng khoán Trung Quốc lao đao theo.

Sau một năm chống chọi với Covid bằng những đợt cắt giảm lãi suất mạnh tay và hàng nghìn tỷ USD bơm vào nền kinh tế, các ngân hàng trung ương trên toàn cầu đã đến lúc phải tính đến việc đảo ngược các chính sách ứng phó khủng hoảng này. Một số như Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tuyên bố tiếp tục giữ chính sách siêu nới lỏng để hỗ trợ tăng trưởng, nhưng số khác buộc phải hành động gấp vì rủi ro lạm phát lớn. Tuần trước, Brazil trở thành nền kinh tế G20 đầu tiên tăng lãi suất, tiếp đó là Thổ Nhĩ Kỳ và Nga. Na Uy cũng đang thể hiện một lập trường chính sách tiền tệ cứng rắn hơn.

Hồi tháng 2, giới đầu tư toàn cầu bắt đầu phản ánh vào giá cổ phiếu tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn và giá cả tiêu dùng tăng lên ở Mỹ, theo đó đẩy nhanh kỳ vọng về thời điểm Fed buộc phải nâng lãi suất. Điều này dẫn tới sự điều chỉnh kỹ thuật ở những chỉ số đã bị đẩy lên quá cao như Nasdaq, nhưng không một chỉ số chủ chốt nào của chứng khoán toàn cầu có mức giảm sâu như CSI 300.

“Biến động thị trường chứng khoán Trung Quốc có thể cho thấy thách thức đối với việc rút lại các chính sách kích cầu trên toàn cầu, bởi Trung Quốc là nước đầu tiên xảy ra đại dịch và cũng là nước đầu tiên khống chế được đại dịch”, chuyên gia kinh tế Peiqian Liu thuộc Natwest Markets nhận định.

Khi tiền không còn rẻ: Lời cảnh báo "lạnh gáy" từ chứng khoán Trung Quốc - Ảnh 1.

Diễn biến lao dốc kinh hoàng của chỉ số CSI 300.

Trung Quốc có lý do để rút lại các biện pháp kích cầu nhanh hơn so với các nền kinh tế lớn khác, trong đó phải kể đến việc nước này kiểm soát Covid tốt hơn, chủ trương giảm nợ trong nền kinh tế của Bắc Kinh, và việc người dân nước này không có nhiều kênh đầu tư để lựa chọn. Tuy nhiên, có một điều chắc chắn là thị trường chứng khoán Trung Quốc đã tăng “nóng”nhất thế giới kể từ khi Covid-19 được phát hiện đầu tiên ở Vũ Hán.

Khi Covid bắt đầu lan rộng ở Trung Quốc trong 2 tháng đầu tiên của năm 2020, CSI 300 sụt 12%, trong khi thị trường chứng khoán toàn cầu tiếp tục lập đỉnh mới. Vài tuần sau đó, khi chỉ số MSCI All-Country World Index bắt đầu lao dốc trong bối cảnh virus lây lan trên toàn cầu, chứng khoán Trung Quốc đã bắt đầu bật tăng trở lại nhờ kỳ vọng của nhà đầu tư vào các biện pháp kích cầu sắp sửa được triển khai. Đến tháng 7/2020, Trung Quốc đã trở thành một trong những thị trường chứng khoán nóng nhất thế giới. Khi đạt đỉnh vào ngày 10/2/2021, CSI 300 đã tăng 65% kể từ mức đáy của năm ngoái. Sau đó, chỉ số bắt đầu lao dốc.

Tuần này, các nhà phân tích tại Credit Suisse Group cắt giảm khuyến nghị đối với cổ phiếu Trung Quốc về ngưỡng tương đương “bán”, cho rằng thị trường Trung Quốc có thể để tuột mất thành quả tăng đạt được trong thời gian đại dịch ở mức độ nhiều hơn so với các thị trường khác. Đây là lần thứ hai trong vòng 5 tuần Credit Suisse cắt giảm khuyến nghị đối với chứng khoán Trung Quốc.

“Chúng tôi đã chốt lời đối với cổ phiếu A của Trung Quốc vào đầu tháng 2, xét tới khả năng thắt chặt các chính sách vĩ mô trong nước”, Giám đốc đầu tư khu vực châu Á-Thái Bình Duong Jean-Louis Nakamura của Lombard Odier Darier Hentsch viết trong một báo cáo.

Các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc có lý do để lo ngại về sự kích cầu quá tay. Khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008, Trung Quốc sử dụng biện pháp mở rộng tín dụng ồ ạt để vực dậy nền kinh tế. Một hệ quả là một khối nợ khổng lồ để lại cho tới tận hiện nay, đe dọa sự ổn định hệ thống tài chính của Trung Quốc. Dòng vốn chảy vào thị trường cổ phiếu và trái phiếu Trung Quốc trong năm ngoái cũng khiến giới chức Trung Quốc lo ngại về sự bóp méo giá trị tài sản, nhất là khi những dòng vốn này lại bắt đầu chảy đi.

Những bài học từ quá khứ đồng nghĩa với việc Trung Quốc chú ý nhiều hơn những rủi ro từ sự dư thừa thanh khoản quá mức, cả ở trong và ngoài nước. Chính phủ nước này đã tái khởi động một chiến dịch giảm nợ bị tạm gác trong thương chiến với Mỹ, cũng như những nỗ lực nhằm hạn chế ảnh hưởng của những dòng tiền nóng.

“Việc rút lui khỏi chính sách kích cầu của Trung Quốc vẫn là một trong những bấp bênh lớn nhất đối với sự phục hồi kinh tế và thị trường tài chính của nước này trong thời gian tới”, chuyên gia kinh tế trưởng về Trung Quốc của Citigroup, ông Li-Gang Liu, nhận định trong một báo cáo mới đây.

Nhờ VIC, khối ngoại chấm dứt chuỗi 24 phiên bán ròng liên tiếp

Trên toàn thị trường phiên 25/3, khối ngoại đã bán ròng hơn 7,5 triệu đơn vị nhưng về khối lượng lại đang mua ròng 294,2 tỷ đồng…

Sau 24 phiên giao dịch liên tiếp bán ròng, khối ngoại đã quay đầu mua ròng mạnh, tập trung lớn nhất vào VIC.

Kết thúc phiên giao dịch (25/3), VN-Index tăng 1,29 điểm (0,11%) lên 1.163,10 điểm. HNX-Index giảm 1,50 điểm (-0,56%) xuống 267,19 điểm. UpCom-Index giảm 0,12 điểm (-0,15%) xuống 80,38 điểm.

Trên HSX, khối ngoại mua vào với khối lượng 30,3 triệu đơn vị, giá trị 1.687,1 tỷ đồng và bán ra với khối lượng 38,4 triệu đơn vị, giá trị 1.419,4 tỷ đồng. Như vậy, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng trên sàn này khoảng 8,1 triệu đơn vị. Tuy nhiên, về giá trị lại mua ròng 267,7 tỷ đồng.

Ở chiều mua, khối ngoại hôm nay tập trung gom VIC với giá trị ròng lên tới 756,3 tỷ đồng. Trong đó, có tới hơn 7,45 triệu đơn vị được mua thỏa thuận với giá 109.000 đồng/cổ phiếu, tương đương tổng giá trị giao dịch là 812 tỷ đồng.

Đứng tiếp sau là NVL, GAS và KBC với giá trị mua ròng lần lượt đạt 33,2 tỷ đồng, 23,97 tỷ đồng và 22,7 tỷ đồng. Chứng chỉ quỹ FUEVFVND cũng được mua ròng 20,9 tỷ đồng.

Ở chiều bán, VNM vẫn bị xả mạnh với 132,4 tỷ đồng. Một số mã bị bán ròng nhiều còn có CTG với 91,2 tỷ đồng; SSI với 63 tỷ đồng; HPG với 52,6 tỷ đồng; MBB với 45,3 tỷ đồng; VRE với 41,8 tỷ đồng…

Trên HNX, khối ngoại có phiên mua ròng thứ 4 liên tiếp với giá trị 3,08 tỷ đồng. Trong đó, VCS được mua ròng mạnh nhất với 4,1 tỷ đồng. Đây cũng là mã duy nhất ở cả chiều mua và bán có giá trị hơn 1 tỷ đồng.

Trên UpCom, khối ngoại cũng mua ròng 761 nghìn cổ phiếu, tương ứng giá trị 23,45 tỷ đồng. Trong đó, ACV và BSR lần lượt được mua ròng 11 tỷ đồng và 10,3 tỷ đồng. Ngược lại, dù bị bán mạnh nhất nhưng SSN cũng chỉ dừng lại mức 490 triệu đồng.

Tính chung trên toàn thị trường trong phiên 25/3, khối ngoại đã bán ròng hơn 7,5 triệu đơn vị. Tuy nhiên, nếu xét về khối lượng thì nhà đầu tư nước ngoài lại đang mua ròng 294,2 tỷ đồng.

Loạt dự án “treo trên giấy” của Intresco sắp đến hồi kết?

Nhận đất hơn 20 năm nhưng những dự án của Intresco mãi chưa thành hình và hiện đang đứng trước nguy cơ bị thu hồi…

Dự án trọng điểm Terra Royal hiện tại của Intresco

Các dự án của Công ty Cổ phần Đầu tư và Kinh doanh Nhà (Intresco – ITC) nằm trên giấy hàng chục năm trời gây lãng phí tài nguyên đất và có nguy cơ thất thoát tiền sử dụng đất, tiền thuê đất.

Theo kiểm tra, rà soát của Thanh tra Chính phủ, việc đầu tư của nhiều dự án tại Khu đô thị phía Nam thành phố không thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất hoặc đấu thầu dự án đầu tư. Việc lựa chọn nhà đầu tư do UBND thành phố hoặc Ban quản lý khu Nam chỉ định, chấp thuận địa điểm đầu tư, chấp thuận đầu tư dự án, không có hồ sơ, văn bản thẩm định về năng lực của nhà đầu tư.

Việc đầu tư tràn lan, dàn trải dẫn đến hiện nay chưa có dự án nào hoàn thành, đều trong tình trạng dở dang, hầu hết các dự án được giao đất từ những năm 2000 nhưng đa số chưa hoàn thành việc bồi thường giải phóng mặt bằng nên chưa thực hiện được việc đầu tư xây dựng, không đảm bảo tiến độ đề ra. Hầu hết các dự án đầu tư tại đây đều vi phạm về thủ tục đầu tư, cụ thể là UBND thành phố hoặc Ban quản lý khu Nam có văn bản chấp thuận đầu tư khi chưa có quy hoạch chi tiết xây dựng được phê duyệt.

Nhiều dự án bất động sản của Intresco đã lọt vào danh sách Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo UBND TP.HCM xem xét, thu hồi trong loạt dự án treo đất hàng chục năm tại Khu đô thị Nam thành phố Hồ Chí Minh. Đây cũng là những dự án lùm xùm nhiều năm qua chưa giải quyết của Intresco.

Loạt dự án "treo trên giấy" tai tiếng của Intresco sắp đến hồi kết? - Ảnh 1.

13 dự án được Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo UBND TP.HCM xem xét, thu hồi

Cụ thể, 3 dự án trong diện bị kiến nghị thu hồi của Intresco bao gồm: 

Khu 6A Khu dân cư Intresco diện tích 6,91ha triển khai từ năm 2001 nhưng đến nay mới giải phóng mặt bằng được 64%. 

Dự án đầu tư hạ tầng KT chính khu 6B diện tích đất giao 21,73ha triển khai năm 2001 đến nay mới giải phóng mặt bằng được 56%. 

Dự án phát triển nhà ở tại Lô số 5 diện tích 6,73ha mới giải phóng mặt bằng được 62% dù triển khai năm 2001. 

Cùng với đó, ITC có nhiều dự án chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất ở Khu đô thị này, gồm: Dự án Phát triển nhà ở Lô số 5 (6,73ha), Khu dân cư Green City (12,54ha- đã giải phóng mặt bằng xong 100%). Các dự án trên đều thuộc diện được UBND TP.HCM thực hiện giao đất bằng quyết định tạm giao đất, sau bồi thường mới có quyết định giao đất chính thức làm căn cứ để xác định nghĩa vụ tài chính về đất. Điều này đã dẫn đến việc chủ đầu tư chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất, có nguy cơ gây thất thu ngân sách nhà nước về tiền sử dụng đất và tiền thuê đất. 

Trong các dự án trên, tai tiếng nhất là dự án Khu dân cư 6A Intresco. Dự án này sau khi được phê duyệt đề án quy hoạch chi tiết sử dụng đất tỷ lệ 1/500 thì đã được đưa ra huy động vốn. Người dân đã nộp tiền theo hình thức góp vốn để mua đất nền tại dự án này nhưng 20 năm qua, dự án vẫn chỉ nằm yên trên giấy dù người mua ròng rã nhiều năm đòi quyền lợi. 

Báo cáo tài chính công ty mẹ của ITC cho biết, chi phí đầu tư dở dang tại dự án khu 6A tính đến cuối năm 2020 là 132,3 tỷ đồng. Khoản người mua trả tiền trước (khoản ứng trước của khách mua đất nền) tại dự án này là 109,5 tỷ đồng. Trong khi đó, ITC đang đem hơn 42 tỷ đồng đi gửi ngân hàng không kỳ hạn.

Intresco thời điểm trước đó được tin tưởng nhờ thương hiệu doanh nghiệp nhà nước thuộc Tổng công ty Địa ốc Sài Gòn. Đến năm 2001, công ty tiến hành cổ phần hóa và hoạt động theo mô hình công ty cổ phần. Từ thời điểm đó đến nay, ITC có 1 giai đoạn làm ăn khó khăn chồng chất thua lỗ, lợi nhuận bèo bọt (2011- 2015). Tuy nhiên vài năm trở lại đây, ITC đã báo cáo lợi nhuận khả quan trở lại trên báo cáo tài chính. 

Hiện Intresco đang tập trung vào dự án Terra Royal, phần lớn các khoản vay đều chủ yếu dùng để phục vụ cho việc phát triển dự án này (theo báo cáo soát xét giữa năm 2020).

Báo cáo tài chính của Intresco cho thấy doanh nghiệp này tiếp tục huy động vốn qua vay nợ trong năm vừa qua. Nợ phải trả của ITC cuối năm 2020 ở mức 2.322 tỷ đồng, trong đó tăng vay nợ dài hạn. Tổng vay nợ tài chính của ITC là 828 tỷ đồng. 

Báo cáo kết quả kinh doanh cho thấy, năm 2020, công ty phải trả tới 39,7 tỷ chi phí lãi vay, trong đó riêng quý 4 phải chi trả đến 33,6 tỷ chi phí lãi vay. Con số này gấp tới 8 lần chi phí năm 2019. ITC cho biết, quý 4 là giai đoạn bàn giao nên lãi vay không vốn hóa vào chi phí đầu tư mà đưa vào chi phí tài chính.

Ngoài ra, các khoản phải trả người bán ngắn hạn, phải trả người lao động và phải trả ngắn hạn khác của ITC đều lần lượt tăng 96%, 150% và 255%. 

Đáng nói, hơn 10 trang thuyết minh chi tiết các thông tin về các khoản nợ phải trả trên không biết “vô tình hay cố ý” mà không xuất hiện trên báo cáo tài chính của doanh nghiệp đã được công bố trên website và cả trên Sở giao dịch chứng khoán Tp.HCM. 

Giá vàng miếng giảm nhẹ, USD tự do neo trên 24.000 đồng

Giá vàng thế giới tăng nhẹ đêm qua và sáng nay (25/3), nhưng giá vàng miếng trong nước lại đi xuống…

Ảnh minh họa – Ảnh: Bloomberg.

Giá vàng thế giới tăng nhẹ đêm qua và sáng nay (25/3), nhưng giá vàng miếng trong nước đi xuống. Giá USD tự do “nằm im” trên ngưỡng 24.000 đồng, giá USD ngân hàng cũng đi ngang.

Lúc gần 11h trưa, Tập đoàn DOJI niêm yết giá vàng miếng SJC cho thị trường Hà Nội ở mức 55,1 triệu đồng/lượng (mua vào) và 55,5 triệu đồng/lượng (bán ra). Tại thị trường Tp.HCM, Công ty SJC cũng báo giá vàng miếng cùng thương hiệu ở mức 55,1 triệu đồng/lượng và 55,5 triệu đồng/lượng.

So với cùng thời điểm ngày hôm qua, giá vàng miếng hiện giảm 50.000 đồng/lượng tại DOJI và giảm 30.000 đồng/lượng tại SJC.

So với giá vàng thế giới quy đổi, giá vàng miếng bán lẻ đang cao hơn khoảng 7 triệu đồng/lượng.

Giá các sản phẩm vàng 999,9 khác phổ biến dưới mốc 52 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra.

Nhẫn tròn Phú Quý của Tập đoàn Phú Quý có giá mua vào là 51,15 triệu đồng/lượng và bán ra là 51,85 triệu đồng/lượng. Nhẫn tròn Rồng Thăng Long của Công ty Bảo Tín Minh Châu có giá tương ứng lần lượt là 51,36 triệu đồng/lượng và 51,96 triệu đồng/lượng.

Giá vàng giao ngay tại thị trường châu Á lúc hơn 10h theo giờ Việt Nam đứng ở 1.739 USD/oz, tăng 3,7 USD/oz so với đóng cửa đêm qua tại New York. Mức giá này tương đương khoảng 48,5 triệu đồng/lượng nếu được quy đổi theo giá USD bán ra tại Ngân hàng Vietcombank và chưa tính các chi phí liên quan.

Trong phiên Mỹ ngày thứ Tư, giá vàng tăng 6,9 USD/oz, tương đương tăng 0,4%, chốt ở 1.735,3 USD/oz.

Đây là phiên tăng giá đầu tiên của vàng sau 2 phiên giảm liên tiếp.

Giá vàng miếng giảm nhẹ, USD tự do chững trên 24.000 đồng - Ảnh 1.

Diễn biến giá vàng thế giới từ đầu năm đến nay. Đơn vị: USD/oz – Nguồn: TradingView.

Giới phân tích nói rằng vàng đang được một số nhà đầu tư mua vào như một “vịnh tránh bão” trong bối cảnh số ca nhiễm Covid-19 mới có chiều hướng tăng mạnh trở lại ở châu Âu.

Ngoài ra, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tiếp tục giảm cũng làm nhẹ bớt áp lực mất giá đối với vàng. Phiên ngày thứ Tư, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ trượt về mức khoảng 1,6%, từ mức đỉnh của 14 tháng là 1,75% thiết lập vào đầu tuần.

Dù vậy, giá vàng vẫn đang chịu sức ép mất giá từ đồng USD mạnh lên. Sáng nay, chỉ số Dollar Index đo sức mạnh đồng USD so với một rổ gồm 6 đồng tiền chủ chốt khác dao động quanh ngưỡng 92,5 điểm, từ mức 92,4 điểm vào sáng qua.

Việc giá vàng gần đây giằng co quanh ngưỡng 1.700 USD/oz cho thấy giá kim loại quý này đang cần một chất xúc tác để tạo xu hướng rõ rệt.

Giá USD tự do tại Hà Nội sáng nay phổ biến ở mức 23.970 đồng (mua vào) và 24.020 đồng (bán ra), không thay đổi so với sáng qua. Giá USD niêm yết tại Vietcombank cũng đi ngang ở mức 22.990 đồng và 23.170 đồng.

Hết thời ý tưởng đầu tư dựa trên tiền rẻ?

Trong giai đoạn giao thời giữa tiền rẻ và tiền không còn rẻ, thị trường kể cả có vượt 1.200 điểm thì cũng chỉ là “cú nẩy” và rồi phải trở về với vùng định giá hợp lý…

Ảnh minh họa.

Chứng khoán Mỹ đang trải qua giai đoạn tích cực nhờ chính sách tiền tệ nới lỏng duy trì và chính sách tài khóa hỗ trợ kinh tế trước khi quay trở lại với lo ngại lạm phát. 

Diễn biến này có nghĩa là, xu thế lạm phát tăng lên là điều gần như chắc chắn bởi nó luôn gắn liền với tăng trưởng kinh tế. Trong điều kiện bình thường, không có gì đáng lo ngại vì mức lạm phát còn thấp, nhưng trong bối cảnh “ý tưởng đầu tư” dựa trên tiền rẻ thì ý tưởng này đang dần trở nên lỗi thời.

LÃI SUẤT HAY VAI TRÒ CUNG TIỀN?

Ngân hàng trung ương Mỹ (Fed) đã quyết định giữ nguyên lãi suất chính sách ở mức thấp như là một biểu tượng của quyết tâm thúc đấy tăng trưởng kinh tế. Còn thực tế thị trường thì các lãi suất quan trọng như: lãi suất cho vay mua nhà (ở Mỹ và Phương Tây, vay mua nhà mortgage là phổ biến như chúng ta đi chợ ở Việt Nam nên cảm nhận đắt rẻ rất rõ) đã tăng lên đáng kể. Loại kỳ hạn 15 và 30 năm phản ánh xu thế này: đạt đáy vào khoảng giữa tháng 1 và bắt đầu tăng mạnh hơn từ giữa tháng 2 tính đến ngày 24/3.

Mức yield (lợi suất đầu tư) trái phiếu dài hạn 10 năm có giảm so với kỳ review trước, nhưng đó được cho là một sự điều chỉnh, do giới đầu tư dịch chuyển tiền từ cổ phiếu sang mua trái phiếu. 

Thị trường trái phiếu và cổ phiếu trong điều kiện bơm tiền thường xu hướng đi như nhau (mua cổ phiếu -> giá tăng; mua trái phiếu -> yield giảm) nhưng khi tiền phải lựa chọn giữa các kênh thì nó lại trở thành hai kênh thay thế cho nhau (bán cổ phiếu -> giá giảm; mua trái phiếu -> yield giảm). 

Sự điều chỉnh đồng thời của yield và thị trường chứng khoán hiện tại phản ánh rằng chính sách nới lỏng duy trì không tạo ra “tiền mới” vào thị trường tài sản mà chỉ còn “tiền cũ” đang tìm nơi an toàn hơn.

Tại Việt Nam, vấn đề quan trọng với thị trường hiện nay không còn là mặt bằng lãi suất nữa, vì khả năng nó tăng lên gần như chắc chắn, mà là vai trò của tăng trưởng tín dụng (cung tiền). Số liệu cập nhật cho thấy lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng trong khoảng trung bình 5.5%-6%.

Điều này có nghĩa là khi ý tưởng đầu tư dựa trên tiền rẻ đã gần như hết vai trò và tác dụng, sự trông chờ của thị trường sẽ nằm ở chính sách tín dụng của hệ thống ngân hàng. Hồi đầu năm, tăng trưởng tín dụng được Ngân hàng Nhà nước dự kiến 3 kịch bản với khả năng cao là kịch bản 12-13% và dự kiến quý 1 tăng 3-4% thì thực tế trong quý 1 theo số liệu từ báo chí chỉ tăng 2%. 

Thực tế này cho thấy sự chặt chẽ của Ngân hàng Nhà nước và sự thận trọng của hệ thống ngân hàng và nó ám chỉ một thông điệp quan trọng cho thị trường là: tín dụng sẽ chỉ cung cấp đủ, phù hợp với năng lực hiện tại của nền kinh tế.

Như vậy, chưa có dấu hiệu nào của việc tín dụng mở rộng, như đã từng làm cuối năm ngoái dẫn tới thị trường chứng khoán tăng ồ ạt.

Các tác động chính sách khác như: thông báo duy trì lãi suất từ Fed – thực ra chỉ là một sự hiểu sai/cố tình hiểu sai thành “tiếp tục nới lỏng tiền tệ” của giới đầu tư Việt – dẫn tới “cú nẩy” tâm lý đã được kỳ vọng; đánh giá của Moody’s: chỉ là thay đổi triển vọng từ Tiêu cực sang Tích cực của hồ sơ tín dụng của Việt nam – không thay đổi về hạng, là những tin tích cực nhưng không làm thay đổi bản chất thị trường.

Như vậy, thị trường Việt Nam cũng giống như Mỹ và thế giới, sẽ tiếp tục với câu chuyện kỳ vọng lạm phát, mặt bằng lãi suất và chính sách tín dụng.

HƯỚNG ĐI MỚI CỦA DÒNG TIỀN CHỨNG KHOÁN 

Dòng tiền đã vào thị trường chứng khoán có xu hướng đang ra và dòng tiền đã ra không vào mà còn có xu hướng chuyển sang kênh tài sản khác. Nhà đầu tư nước ngoài bán ròng là một cảnh báo quan trọng cho việc này. 

Như đã nhấn mạnh, họ bán ròng phản ánh quan điểm phân bổ tài sản toàn cầu của họ, đặc biệt trước diễn biến về yield tại thị trường Mỹ – điều được kỳ vọng sẽ diễn ra tương tự tại các quốc gia khác theo mô hình bơm tiền trước đó. Một lần nữa, cái gì là lý do đầu tư, thì đó cũng là lý do để ra.

Tiền nước ngoài rời khỏi tài sản rủi ro tại các thị trường đang phát triển để trở về với thị trường phát triển – an toàn. Đó cũng là lý do tại sao giá trị động đồng đô la Mỹ thể hiện qua dollar index tăng lại từ giữa tháng 2.

Tiền nước ngoài rời khỏi tài sản rủi ro tại các thị trường đang phát triển để trở về với thị trường phát triển – an toàn. Đó cũng là lý do tại sao giá trị động đồng đô la Mỹ thể  hiện qua dollar index tăng lại từ giữ tháng 2.

Còn với nhà đầu tư nội địa trong nước, khác với ở Mỹ họ lựa chọn giữa cổ phiếu và trái phiếu, thì ở Việt Nam sự lựa chọn là giữa cổ phiếu và bất động sản. Thông tin báo chí cho thấy thị trường bất động sản đã trở nên sôi động sau chứng khoán do xu thế chuyển dịch này. Điều này hoàn toàn phù hợp với những gì đã xảy ra trong quá khứ: chứng khoán tăng trước vì nó nhanh, thanh khoản hơn, còn bất động sản đi sau vì nó phản ánh văn hóa hiện thực hóa tài sản thực của người Việt.

Nhưng bất động sản rồi cũng sẽ như chứng khoán khi tiền rẻ thực sự không còn.

Tình trạng margin tại các công ty chứng khoán chưa có số liệu cụ thể, nhưng khá dễ đoán khi chỉ số thị trường ở mức cao. Nói cách khác, những người cần dùng margin đã dùng rồi, và công ty chứng khoán muốn cho margin cũng đã cho rồi. 

Lưu ý là bây giờ các công ty chứng khoán có tâm lý e dè về margin hơn nhiều so với hồi tháng 1. Chỉ số thị trường giảm, giá cổ phiếu giảm có thể sẽ dẫn tới bị bán vì margin call – nhưng điểm tốt là vì nó ít và không trên diện rộng nên nó cũng sẽ không quá nghiêm trọng như tháng 1.

Một nguy cơ dòng tiền sẽ bị rút ra nữa chính là kỳ đại hội cổ đông đang diễn ra. Hầu như tất cả các doanh nghiệp đều có ý định tăng vốn trong kỳ này. Và cách họ làm sẽ vẫn là truyền thống: phát hành cho cổ đông hiện hữu là chủ yếu. 

Điều này có nghĩa là tiền để giao dịch hàng ngày sẽ bị rút đi một lượng lớn để vào tay doanh nghiệp và đương nhiên doanh nghiệp thu tiền rồi thì họ sử dụng chứ không quay lại giao dịch. Như vậy, tùy vào lịch trình, nhưng nếu Đại hội đồng cổ đông vào tháng 3 và 4 thì việc tăng vốn sẽ diễn ra vào cuối quý 2 đầu quý 3, khi đó thị trường sẽ rất cần chú ý.

Phần lớn các doanh nghiệp hiện tại đang cố giữ giá cổ phiếu để phục vụ cho điều này, nên sau khi “chốt danh sách” – họ sẽ thả. Vậy nên tác động ở từng cổ phiếu sẽ phụ thuộc vào ngày chốt.

Tâm lý chờ đợi của thị trường đã trở nên tiêu cực hơn. Tâm lý chờ bán đã và đang trở thành hành động. Tâm lý thị trường sẽ là rời những cổ phiếu rủi ro để tìm nơi trú ẩn an toàn.

Những cổ phiếu an toàn là những cổ phiếu có hai đặc điểm lớn: thuộc ngành nghề phù hợp với chống chọi lạm phát và lãi suất tăng lên và cổ phiếu thuộc nhóm giá trị với dòng tiền đều (nhìn báo cáo tài chính hàng năm) thay vì các cổ phiếu tăng trưởng (dòng tiền xa sẽ bị tác động tiêu cực hơn bởi lãi suất tăng lên vì lý do chiết khấu dòng tiền xa sẽ có giá trị nhỏ hơn khi lãi suất tăng).

“Giải mã” SPAC: Xu hướng đang nóng ở Phố Wall

SPAC là một công ty rỗng (shell company) được các nhà đầu tư lập nên với mục đích duy nhất là huy động vốn thông qua một vụ IPO để cuối cùng thâu tóm một công ty khác…

Gần đây, SPAC trở nên nở rộ do mức độ biến động thị trường bị đẩy lên cao trong bối cảnh đại dịch Covid-19

Phương thức mà WeWork đang cân nhắc là SPAC – “Special Purpose Acquisition Company”, tạm dịch là “công ty mua lại mục đích đặc biệt”- một trong những xu hướng đang “nóng” nhất trên thị trường tài chính Mỹ hiện nay.

WeWork – một công ty khởi nghiệp (startup) công nghệ đình đám, từng dự định phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) vào năm 2019, nhưng kế hoạch rốt cục đã đổ bể vì mô hình kinh doanh của WeWork bị nhà đầu tư nghi ngờ. Giờ đây, startup chuyên về cho thuê không gian làm việc chung này đang tính sử dụng một phương thức khác để có thể trở thành công ty đại chúng mà không cần thực hiện một vụ IPO thông thường.

Dù lỗ 3,2 tỷ USD trong năm 2020 sau khi lỗ 3,5 tỷ USD trong năm 2019, WeWork vẫn tính sẽ huy động được khoảng 1 tỷ USD bằng cách sáp nhập với một SPAC có tên BowX – tờ Financial Times đưa tin mới đây. Không chỉ WeWork, gần đây còn có rất nhiều công ty khác chọn sáp nhập với một SPAC để lên sàn thay vì đi theo con đường truyền thống là IPO, trong đó phải kể tới những cái tên như: Công ty du hành vũ trụ Virgin Galactic, nền tảng cá cược thể thao DraftKings, công ty bất động sản trực tuyến Opendoor, hay hãng xe điện Nikola Motor.

"Giải mã" SPAC: Xu hướng đang nóng ở Phố Wall - Ảnh 1.

Tổng số vốn huy động được qua các SPACs

Theo số liệu từ SPAC Research, trong năm 2020, có khoảng 200 SPAC lên sàn chứng khoán ở Mỹ, huy động được tổng cộng 83,4 tỷ USD, một con số kỷ lục tính đến thời điểm đó. Và trong chưa đầy 3 tháng đầu năm 2021, thị trường SPAC ở Mỹ đã phá vỡ kỷ lục của cả năm ngoái, cho thấy một tốc độ tăng trưởng bùng nổ. Dù còn khoảng 1 tuần nữa mới hết tháng 3, các SPAC ở Mỹ từ đầu năm đến nay đã huy động được 87,9 tỷ USD. Một loạt công ty như startup siêu thanh Butterfly Network, startup về thử DA 23andMe, cùng các công ty truyền thông BuzzFeed, Vice Media, và Bustle Media… đang bị đồn có thể thông qua SPAC để lên sàn.  

SPAC lLÀ GÌ?

Về bản chất, SPAC là một công ty rỗng (shell company) được các nhà đầu tư lập nên với mục đích duy nhất là huy động vốn thông qua một vụ IPO để cuối cùng thâu tóm một công ty khác. Một ví dụ là SPAC có tên Diamond Eagle Acquisition Corp. được thành lập vào năm 2019 và lên sàn chứng khoán vào tháng 12 cùng năm. Sau đó, SPAC này tuyên bố sáp nhập với DraftKings và một nền tảng cá cược khác có tên SBTech. Cổ phiếu DraftKings đã bắt đầu được giao dịch đại chúng sau khi thỏa thuận sáp nhập hoàn tất vào tháng 4/2020.

SPAC không có một hoạt động kinh doanh nào, không sản xuất hay bán bất kỳ một sản phẩm và dịch vụ nào. Tài sản duy nhất của một SPAC thường là tiền vốn huy động được từ chính vụ IPO của SPAC đó.

Vòng đời của một SPAC thường bao gồm 4 bước:

Bước thứ nhất là thành lập SPAC. Một SPAC được thành lập bởi một nhóm nhà tài trợ (sponsors), thường là những nhà đầu tư nổi tiếng, các công ty đầu tư cổ phần tư nhân, hoặc các nhà đầu tư mạo hiểm.

Bước thứ hai là SPAC tiến hành IPO. Ở bước này, SPAC tuân thủ quy trình IPO thông thường như bất kỳ doanh nghiệp nào, nhưng các nhà tài trợ của SPAC không công bố cụ thể các công ty mà họ đang cân nhắc mua lại, nhằm tránh những thủ tục phức tạp với Ủy ban Chứng khoán và giao dịch (SEC). Giá cổ phiếu của các SPAC khi IPO thường là 10 USD/cổ phiếu. Khi lên sàn, SPAC sẽ có mã cổ phiếu và hầu hết số tiền mà các cổ đông đầu tư sẽ được giữ trong một tài khoản ủy thác.

Bước thứ ba là tìm kiếm công ty để mua lại. Các SPAC thường có 2 năm tìm kiếm một công ty tư nhân để mua lại hoặc sáp nhập, theo đó đưa công ty đó thành công ty đại chúng, vì công ty đó sẽ trở thành một phần của SPAC – công ty đã lên sàn từ trước. Thời hạn này có thể rất dễ để đáp ứng, vì các nhà tài trợ có thể đã có một đối tượng cụ thể để mua lại ngay từ đầu. Tuy nhiên, nếu một SPAC không sáp nhập  hay mua lại một công ty nào trong vòng 2 năm đầu tiên sau khi lên sàn, tiền sẽ được trả lại cho cổ đông. Điều này khiến việc đầu tư vào các SPAC có độ rủi ro thấp hơn so với mua cổ phiếu trong các vụ IPO truyền thống: trong trường hợp SPAC không thực hiện mua lại, nhà đầu tư được lấy lại tiền. Trong khi đó, ở các vụ IPO truyền thống, không có gì đảm bảo cổ phiếu mà nhà đầu tư mua sẽ không gây thua lỗ.

Và bước cuối cùng là hoàn tất thương vụ mua lại. Khi các nhà tài trợ của một SPAC tìm được một công ty để thâu tóm, họ sẽ thông báo và thương vụ sẽ phải nhận được sự phê chuẩn của đa số cổ đông. SPAC có thể phải huy động thêm vốn, thường là bằng cánh phát hành thêm cổ phiếu, để thực hiện thương vụ. Khi thương vụ hoàn tất, công ty được mua sẽ niêm yết trên sàn chứng khoán. Các nhà tài trợ thường nắm cổ phần 20% trong công ty cuối cùng sau khi sáp nhập.

Gần đây, SPAC trở nên nở rộ do mức độ biến động thị trường bị đẩy lên cao trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Nhiều công ty đã hoãn kế hoạch IPO vì lo ngại biến động thị trường phá hỏng cuộc chào sàn, nhưng một số khác đã chuyển hướng từ IPO sang sáp nhập với một SPAC. Việc sáp nhập với SPAC cho phép một công ty vừa trở thành doanh nghiệp đại chúng, vừa huy động được tiền vốn nhanh chóng hơn so với một cuộc IPO thông thường, vì một vụ SPAC thâu tóm công ty có thể hoàn tất trong vòng chỉ vài tháng, thay vì một quy trình có thể kéo dài tới 6 tháng để đăng ký IPO với SEC.

Ngoài ra, trong một vụ sáp nhập với SPAC, công ty mục tiêu có thể đàm phán một mức định giá cố định của mình với các nhà tài trợ của SPAC đó.

LỢI NHUẬN VÀ RỦI RO TỪ SPAC

Báo chí Mỹ gần đây không hiếm những câu chuyện thành công liên quan đến SPAC. Theo hãng tin Bloomberg, ông Denis Sverdlov – một doanh nhân Nga giàu lên nhờ sở hữu một công ty viễn thông – đã mở rộng sang lĩnh vực ô tô điện. Ông thành lập một công ty xe tải và xe bus điện có tên Arrival vào năm 2012, và đến năm 2019 đã rót tổng cộng 450 triệu USD vào công ty này. Tháng 11 năm ngoái, ông Sverdlov đạt thỏa thuận sáp nhập Arrival vào một SPAC có tên CIIG Merger Corp. Hiện tại, dù chưa sản xuất một chiếc xe nào, Arrival đã được định giá ở mức 15,3 tỷ USD, lớn hơn gấp đôi so với mức định giá của công ty vào thời điểm đầu năm ngoái. Một khi vụ sáp nhập hoàn thành, giá trị tài sản ròng của ông Sverdlov, 42 tuổi, sẽ lên tới 11,7 tỷ USD, đồng nghĩa với mức lãi gấp 26 lần so với số tiền ông đã đầu tư vào Arrival.

SPAC đã tồn tại ở Phố Wall trong nhiều thập niên và thường giữ vai trò là lựa chọn cuối cùng cho những công ty nhỏ gặp nhiều trở ngại trong việc huy động vốn trên thị trường mở.

Dù vậy, SPAC cũng đi kèm không ít rủi ro. Chẳng hạn, những công ty muốn lên sàn thông qua một vụ sáp nhập với SPAC có thể bị chính các cổ đông của SPAC đó từ chối. Chưa kể, nhà đầu tư rót tiền vào SPAC cũng hết sức mù mờ về những gì sẽ diễn ra tiếp theo.

Quy trình sáp nhập một công ty vào một SPAC đòi hỏi sự minh bạch về công ty mục tiêu, nhưng quy trình thẩm định của SPAC không nghiêm ngặt như của một vụ IPO truyền thống, theo ông Lloyd Blankfein, cựu Tổng giám đốc (CEO) của Ngân hàng Goldman Sachs. Nhà tài chính kỳ cựu này cũng nói rằng các nhà tài trợ SPAC – với nhiệm vụ tìm một mục tiêu mua lại khả thi trong vòng 2 năm và không nhất thiết phải là một thương vụ tốt nhất – có thể cảm thấy không cần phải cố gắng để SPAC không bị trả “hớ” khi mua công ty mục tiêu.

Một số SPAC đã làm khá tốt, như cổ phiếu DraftKings và Virgin Galactic đều tăng giá kể từ khi lên sàn thông qua sáp nhập với SPAC. Tuy nhiên, Công ty tư vấn Renaissance Capital đã chỉ ra rằng lợi nhuận bình quân từ các vụ sáp nhập SPAC trong thời gian từ 2015-2020 là thấp hơn so với mức lợi nhuận bình quân mà nhà đầu tư thu được từ các vụ IPO trong cùng khoảng thời gian. Đồng quan điểm thận trọng như ông Blankfein, nhà bán khống nổi tiếng Carson Block, đã viết về SPAC trong một báo cáo rằng “một mô hình kinh doanh khuyến khích các nhà quảng cáo làm việc gì đó – thực chất là bất kỳ việc gì – bằng tiền của người khác thường dẫn tới mất mát lớn về giá trị”.

Thành viên Hội đồng quản trị Thuduc House xin từ nhiệm

CTCP Phát triển Nhà Thủ Đức (Thuduc House – mã TDH) đã nhận được đơn xin từ nhiệm của ông Lê Minh Tâm theo nguyện vọng cá nhân…

Hiện nhân sự ban quản trị của Thuduc House có 5 người, gồm: ông Lê Chí Hiếu, Chủ tịch HĐQT, các thành viên là ông Nguyễn Vũ Bảo Hoàng, ông Nguyễn Ngọc Trường Chinh và ông Đinh Thành Lê và ông Lê Minh Tâm, thành viên độc lập HĐQT.

Như vậy, nếu như đơn từ nhiệm của ông Tâm được thông qua, ban quản trị của Thuduc House chỉ còn lại 4 người.

Được biết, ông Lê Minh Tâm sinh năm 1971, có trình độ chuyên môn Thạc sĩ quản trị kinh doanh, Thạc sĩ Luật, Cử nhân Kinh tế.

Trước khi tham gia vào HĐQT của Thuduc House vào tháng 4/2018, ông Tâm có nhiều năm công tác tại Ngân hàng TMCP Á Châu, Ngân hàng Doanh nghiệp Deutsche Bank AG, CTCP Chứng khoán ACBS, CTCP Chứng khoán Maybank Kim Eng.

Cách đây không lâu, ông Lê Minh Tâm đã xin từ nhiệm vị trí Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam nhưng sẽ vẫn tiếp tục là thành viên HĐQT của công ty. Hiện tại, ông Lê Minh Tâm đang làm thành viên HĐQT Công ty TNHH Bách Phú Thịnh.

Trên thị trường chứng khoán, sau khi có thông tin về nợ thuế, giá cổ phiếu TDH đã giảm gần 9% trong gần một tháng qua từ mức 8.200 đồng/cổ phần ngày 24/2/2021 về mức 7.540 đồng/cổ phần vào cuối phiên sáng ngày 25/3/2021.

Thành viên HĐQT của Thuduc House xin từ nhiệm - Ảnh 2.

Giá cổ phiếu TDH – Nguồn: tradingview.

Liên quan đến tình hình nợ thuế của công ty, Cục thuế Tp.HCM vào ngày 4/3 đã có thông báo yêu cầu Thuduc House phải nộp tổng cộng hơn 455 tỷ đồng thay vì số tiền được yêu cầu trước đó gần 400 tỷ đồng.

Năm trụ cột trong chiến lược phát triển SeABank

Để phát triển bền vững và chiếm lĩnh thị phần, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đông Nam Á (SeABank – mã chứng khoán SSB) sẽ tập trung vào việc số hoá…

SeABank là ngân hàng tiên phong trong nền tảng ngân hàng số sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI).

Để phát triển bền vững và chiếm lĩnh thị phần, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đông Nam Á (SeABank – mã chứng khoán SSB) sẽ tập trung vào việc số hoá, nâng cao trải nghiệm khách hàng và năng lực đội ngũ với năm trụ cột về quản trị rủi ro; đầu tư công nghệ; phát triển khách hàng; phát triển nhân sự và văn hóa tổ chức.

TIỀN ĐỀ…

Năm 2020, mặc dù nền kinh tế gặp nhiều khó khăn do tác động của dịch Covid-19, nhưng SeABank vẫn có bước phát triển vượt bậc nhờ thực hiện đồng bộ, linh hoạt nhiều giải pháp. 

Theo đó, lợi nhuận trước thuế của Ngân hàng đạt gần 1.729 tỷ đồng tăng 24%, hoàn thành 115% kế hoạch; tổng tài sản 180.207 tỷ đồng, tăng 14,5%; tổng dư nợ thị trường 1 đạt 108.869 tỷ đồng, tăng 10,5%; tổng huy động thị trường 1 đạt 113.276 tỷ đồng tăng 18%; doanh thu thuần ngoài lãi đạt 1.522 tỷ đồng; tỷ lệ nợ xấu chỉ ở mức 1,86%.

Những con số nêu trên là minh chứng rõ nhất cho việc thích ứng nhanh, thích nghi ngay với tình hình thực tế của Ban Lãnh đạo SeABank. Những quyết sách được đưa ra kịp thời cùng các chính sách hỗ trợ của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước với toàn hệ thống ngân hàng đã giúp hoạt động kinh doanh của Ngân hàng phát triển trong trạng thái bình thường mới. 

Sự nhanh nhạy ấy là ở việc ngân hàng nhanh chóng áp dụng công nghệ, tập trung số hóa, áp dụng công nghệ định danh khách hàng điện tử (eKYC), đầu tư hệ thống trí tuệ nhân tạo (AI) tân tiến… để nâng cao trải nghiệm khách hàng. Bên cạnh đó, SeABank còn triển khai các biện pháp quản trị rủi ro, nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ, đa dạng hóa tệp khách hàng…

Trên thực tế, SeABank là ngân hàng tiên phong trong nền tảng ngân hàng số sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) sau khi thực hiện thành công Dự án Core AI 2020 – ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong hoạt động nghiệp vụ và sản phẩm dịch vụ, nhằm nâng cao chất lượng nhiều sản phẩm của Ngân hàng, hỗ trợ trải nghiệm khách hàng trong suốt quá trình sử dụng dịch vụ. 

Một trong những ứng dụng nổi bật đó là SeAMobile – ứng dụng tài chính duy nhất tích hợp tính năng “trợ lý tài chính cá nhân” ảo, mang đến một công cụ hữu ích cho người dùng với bức tranh toàn cảnh về sức khỏe tài chính. Sự tập trung đầu tư tinh chỉnh, hoàn thiện và nâng cao sản phẩm ngân hàng số giúp số lượng khách hàng mới đăng ký sử dụng dịch vụ eBank của SeABank tăng mạnh, tăng 170% so với năm 2019. Số lượng giao dịch thực hiện trên eBank tăng hơn 200% giúp doanh thu phí năm 2020 tăng 114% so với năm 2019.

Cùng với chiến lược số hóa, SeABank chú trọng đến quản trị rủi ro hoạt động, thị trường và thanh khoản, đồng thời đáp ứng các chuẩn mực quốc tế nhằm bảo đảm hoạt động kinh doanh an toàn, hiệu quả, bền vững và minh bạch. Không chỉ có vậy, ngân hàng cũng đặc biệt coi trọng công tác kiểm soát tuân thủ với 3 tuyến phỏng thủ và đưa ra các bộ quy tắc đạo đắc nghề nghiệp, quy định, tuyên truyền, khen thưởng để xây dựng Văn hóa tuân thủ và Trách nhiệm tuân thủ luôn là cam kết của mỗi cán bộ nhân viên.

SeABank cũng là một trong 5 ngân hàng Việt Nam đầu tiên hoàn thành cả 3 trụ cột của Basel II trước thời hạn quy định; được Moody’s xếp hạng tín nhiệm mức B1 – tương đương với đánh giá triển vọng phát triển ổn định liên tục trong các năm 2019, 2020. Đây là cơ sở quan trọng giúp SeABank khẳng định vị thế, tiềm lực, uy tín với khách hàng, đối tác, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài cũng như các tổ chức xếp hạng đánh giá tín nhiệm.

… ĐẾN TIẾN NHANH, TIẾN CHẮC 

Những kết quả đã đạt được sẽ là tiền đề vững chắc để SeABank có thể gặt hái thêm nhiều thành tựu, gia tăng thị phần nhanh chóng và phát triển bền vững. 

“Để có bước đi vững chắc trên thị trường, chúng tôi vẫn đặt mục tiêu tập trung vào việc số hoá, nâng cao trải nghiệm khách hàng và năng lực đội ngũ với năm trụ cột về quản trị rủi ro; đầu tư công nghệ; phát triển khách hàng; phát triển nhân sự và văn hóa tổ chức. 

Năm trụ cột này sẽ tạo nên thế đứng vững chắc giúp Ngân hàng luôn đảm bảo tuân thủ chuẩn mực cao nhất, tiếp tục tiên phong trong việc đưa ứng dụng công nghệ vào sản phẩm dịch vụ, gia tăng tệp khách hàng. Đồng thời SeABank cũng xây dựng môi trường làm việc gắn kết với những chính sách phúc lợi, đào tạo có sức cạnh tranh cao trên thị trường và bản sắc văn hóa doanh nghiệp riêng”, bà Lê Thu Thủy – Tổng giám đốc SeABank cho biết.

Hiện nay, công nghệ đã đi vào mọi ngõ ngách của cuộc sống, công nghệ quyết định hầu như tất cả cho nên số hóa sẽ vẫn là mục tiêu ưu tiên hàng đầu của SeABank. Sau khi ra mắt ứng dụng ngân hàng số SeAMobile và hoàn thiện thêm tính năng eKYC, SeABank còn tích hợp trí tuệ nhân tạo và eKYC vào hệ thống SeATeller giúp tăng trải nghiệm và giảm thời gian giao dịch. Công nghệ AI và eKYC sẽ hỗ trợ các giao dịch viên trong việc xác thực khách hàng khi giao dịch tại quầy, hỗ trợ khách hàng xác thực giao dịch qua đó giúp giảm các quy trình không cần thiết, gia tăng trải nghiệm khách hàng.

Song song với đầu tư công nghệ, công tác quản trị rủi ro cũng được chú trọng theo hướng đầu tư vào hệ thống công nghệ để tăng cường tính tự động hóa cho công tác quản trị rủi ro hoạt động; tiếp tục áp dụng các nguyên tắc, chuẩn mực quy định của Ngân hàng Nhà nước và Ủy ban Basel II trong quản lý rủi ro và quản lý vốn vào hoạt động kinh doanh để tăng cường tính hiệu quả, an toàn, minh bạch và bền vững; đồng thời chuẩn bị các điều kiện cần thiết nhằm đáp ứng chuẩn mực Basel II theo phương pháp nâng cao.

Bên cạnh đó, SeABank cũng đang không ngừng đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ, cải tiến quy trình, triển khai nhiều chương trình ưu đãi để nâng cao hành trình trải nghiệm khách hàng đồng thời hợp tác khai thác hệ sinh thái của các đối tác chiến lược để gia tăng tiện ích, bán chéo sản phẩm dịch vụ qua đó giúp tăng trưởng khách hàng mới cũng như thêm nhiều lợi ích cho khách hàng của Ngân hàng.

Xác định nguồn nhân lực là yếu tố then chốt để phát triển nội lực vững mạnh, SeABank đã hợp tác tư vấn chiến lược nhân sự và đào tạo với các đối tác lớn như Talentnet – Mercer, Crestcom Việt Nam và iChange Center… nhằm hoàn thiện các chính sách lương thưởng, khung đo lường năng lực, xây dựng các chương trình đào tạo và phát triển năng lực cho các cấp lãnh đạo, quản lý và nhân viên, chung tay phát triển ngân hàng dựa trên các giá trị cốt lõi và bền vững.

Mặt khác, SeABank luôn đẩy mạnh xây dựng văn hóa doanh nghiệp đề cao tinh thần tập thể như những người thân trong một Gia đình, đồng chí hướng và phát huy sức mạnh trí tuệ tập thể; tôn trọng lẫn nhau, đoàn kết, hợp tác trên mọi phương diện, đồng thời xây dựng văn hóa làm việc cởi mở và cầu tiến, minh bạch thông tin với khách hàng.

Với một chiến lược phát triển tổng thể, có chiều sâu, được nghiên cứu kỹ lưỡng dựa trên xu thế phát triển của thời đại, phân tích thị hiếu khách hàng cũng như không ngừng nâng cao năng lực nội bộ, 5 trụ cột trên chính là nền móng vững chắc cho sự phát triển mạnh mẽ và bứt phá của SeABank trong thời gian tới.

Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam chính thức có lãnh đạo

Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam (VNX) chính thức có lãnh đạo cao cấp gồm: Chủ tịch Hội đồng thành viên và Tổng giám đốc…

Thứ trưởng Huỳnh Quang Hải đã trao các Quyết định điều động bổ nhiệm cho các chức danh Chủ tịch và Tổng giám đốc Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam

Sáng 25/3, tại trụ sở Bộ Tài chính, Thứ trưởng Bộ tài chính, ông Huỳnh Quang Hải đã trao các Quyết định điều động bổ nhiệm có thời hạn đối với các chức danh Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc của Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam và Chủ tịch Hội đồng Quản trị Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội.

Theo đó, ông Nguyễn Thành Long – Chủ tịch Hội đồng quản trị Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng thành viên Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam. Ông Phạm Văn Hoàng – Phó Chủ tịch UBCKNN giữ chức vụ Thành viên Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam. Ông Nguyễn Duy Thịnh – Phó Chánh Văn phòng Bộ Tài chính giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng Quản trị Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội.  

Thay mặt Lãnh đạo Bộ, Thứ trưởng Huỳnh Quang Hải chúc mừng các đồng chí đã được Lãnh đạo Bộ tin tưởng, điều động và bổ nhiệm vào vị trí công tác mới. 

Thứ trưởng cho biết: thực hiện Quyết định 37 của Thủ tướng Chính phủ về thành lập Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam, hiện nay Bộ Tài chính đang chỉ đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước khẩn trương triển khai quyết liệt các công việc để sớm đưa Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam đi vào hoạt động trong thời gian sớm nhất.

Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam chính thức có lãnh đạo - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ tài chính trao Quyết định điều động bổ nhiệm cho Chủ tịch Hội đồng quản trị Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội

Theo Thứ trưởng, đây đều là những cá nhân đã được đào tạo bài bản và có quá trình thâm niên công tác trong ngành Tài chính và trong lĩnh vực chứng khoán. Thứ trưởng tin tưởng với kinh nghiệm đã có, trên vị trí công tác mới, các đồng chí sẽ đoàn kết, chỉ đạo quyết liệt, tập hợp trí tuệ tập thể để hoàn thành tốt nhiệm vụ được Lãnh đạo Bộ giao.

Thứ trưởng nhấn mạnh: Nhiệm vụ đặt ra cho lĩnh vực chứng khoán trong năm 2021 là hết sức nặng nề, đặc biệt từ công tác xây dựng quy chế, phân cấp, quy chế của HNX và HOSE, kiện toàn đội ngũ nhân sự, cơ sở vật chất…để sớm đưa Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam đi vào hoạt động trong thời gian tới. Cũng như phân công, phân cấp, điều phối để thị trường chứng khoán Việt Nam hoạt động sôi động, minh bạch, ổn định, bảo đảm an toàn.

Bên cạnh đó, với thực trạng hiện nay, đòi hỏi sự chỉ đạo của Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam với HNX và HOSE để thực hiện các giải pháp xử lý triệt để tình trạng nghẽn lệnh giao dịch của HOSE giai đoạn vừa qua, để tạo môi trường giao dịch thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư và cho các Công ty chứng khoán nhằm thúc đẩy hoạt động huy động vốn cho nền kinh tế, góp phần hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ được giao trong năm 2021 – đây là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, kế hoạch tài chính ngân sách 5 năm (giai đoạn 2021 – 2025).

Sở giao dịch Chứng khoán Việt Nam được thành lập theo mô hình công ty mẹ – công ty con trên cơ sở sắp xếp lại Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) và Sở giao dịch Chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh (HOSE).

VNX có trụ sở chính đặt tại Hà Nội, nắm giữ 100% vốn điều lệ HNX và HOSE. Theo quyết định, HNX sẽ có nhiệm vụ tổ chức, vận hành thị trường chứng khoán phái sinh, thị trường giao dịch trái phiếu và thị trường giao dịch các loại chứng khoán khác. HOSE sẽ tổ chức, vận hành hành thị trường giao dịch cổ phiếu và thị trường giao dịch các loại chứng khoán khác theo quy định của pháp luật.

Cơ cấu tổ chức quản lý của VNX bao gồm: Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc, Ban kiểm soát và các phòng, ban nghiệp vụ chuyên môn. Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc VNX do Bộ trưởng Bộ Tài chính bổ nhiệm, miễn nhiệm theo đề nghị của Hội đồng thành viên.

Cơ cấu tổ chức quản lý của HNX, HOSE bao gồm: Chủ tịch công ty, Tổng giám đốc, Ban Kiểm soát và các phòng, ban nghiệp vụ chuyên môn.

Đừng gắn “sứ mệnh” tín dụng tiêu dùng với hạn chế tín dụng đen

Tín dụng tiêu dùng có góp phần đẩy lùi tín dụng đen bởi có tính liên quan nhưng chưa chắc là công cụ chính…

Tính đến cuối năm 2020, dư nợ tín dụng tiêu dùng tại Việt Nam đạt khoảng 1,8 triệu tỷ đồng, chiếm khoảng 20% tổng dư nợ nền kinh tế.

Tín dụng tiêu dùng tại Việt Nam trong những năm qua đã có nhiều bước phát triển tích cực khi được nhà quản lý hết mực quan tâm. Tuy nhiên, Chính phủ có nên gắn “sứ mệnh” cho tín dụng tiêu dùng là để hạn chế tín dụng đen?

Cho vay tiêu dùng là sản phẩm cho vay dưới dạng tín chấp hoặc thế chấp, nhằm hỗ trợ nguồn tài chính cho các nhu cầu mua sắm hàng gia dụng, mua xe, du học, khám chữa bệnh và các nhu cầu của người dân chi tiêu, nâng cao khả năng tiếp cận tài chính của đại bộ phận người dân, mặt khác còn có ý nghĩa lớn trong việc kích cầu nên kinh tế và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. 

Tính đến cuối năm 2020, dư nợ tín dụng tiêu dùng tại Việt Nam đạt khoảng 1,8 triệu tỷ đồng, chiếm khoảng 20% tổng dư nợ nền kinh tế, gấp 2,5 lần so với năm 2012 (khoảng 8%). Trong đó, đối với tín dụng bất động sản nhà ở đạt khoảng 1 triệu tỷ đồng (chiếm khoảng 55,5%).

Riêng trong 5 năm gần nhất, tín dụng tiêu dùng gồm cả tín dụng bất động sản nhà ở tăng trưởng khoảng 20%/năm, cao hơn nhiều so với mức tăng của tín dụng toàn ngành (khoảng 15,4%).

Theo chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh, thực chất, hiện có khoảng 47% người Việt tham gia vay tiền, nhưng chỉ có 18,5% là vay từ những tổ chức tín dụng và các tổ chức tài chính chính thức, phần còn lại là vay từ người thân, bạn bè hoặc tín dụng đen.

Ông Thịnh nhìn nhận, khi các hộ gia đình và các chủ thể có thể dễ dàng tiếp cận kênh tài chính tiêu dùng nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, nhu cầu vốn nhỏ lẻ, sẽ hạn chế được tình trạng tín dụng đen, tín dụng ngầm trên thị trường, góp phần tăng thu ngân sách nhà nước, tránh được các bất ổn trong đời sống xã hội…

Cùng quan điểm, bà Phạm Thị Thanh Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước, trong thời gian qua, hệ thống các tổ chức tín dụng nói chung, đặc biệt là các công ty tài chính tiêu dùng đã phát triển mạnh mẽ.

“Việc mở rộng cho vay, đáp ứng nhu cầu vốn tiêu dùng cho người dân đã góp phần hạn chế người dân tiếp cận vốn từ những kênh không chính thức, hạn chế tín dụng đen, giúp giảm thiểu các hệ lụy đảm bảo an ninh trật tự xã hội”, bà Phạm Thị Thanh Tùng đánh giá.

Không phủ nhận những lợi ích mang lại từ sự phát triển của thị trường tài chính tiêu dùng trong thời gian qua. Tuy nhiên, ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, không nên gắn tài chính tiêu dùng với một sứ mệnh mà nó không làm được như đẩy lùi tín dụng đen.

Bởi lẽ, theo ông Hiếu, bản chất của tín dụng tiêu dùng và tín dụng đen hoàn toàn khác nhau về đối tượng đi vay, mục đích đi vay cũng như lãi suất vay. “Tài chính tiêu dùng có góp phần đẩy lùi tín dụng đen bởi có tính liên quan nhưng chưa chắc là công cụ chính” ông Hiếu đánh giá.

Đồng thời, khi nhà điều hành gắn tín dụng tiêu dùng với sứ mệnh đẩy lùi tín dụng đen thì mô hình này sẽ bị kiểm soát chặt, các tổ chức chính thức gặp thiệt thòi và các tổ chức phi chính thức càng lạm dụng. Hiểu đơn giản, khi vấn đề được quan tâm quá lại hoá ngược, phản tác dụng.

Do đó, ông Hiếu cho rằng, tín dụng tiêu dùng không nên có bất kỳ sứ mệnh gì. Mặt khác, Chính phủ cần để thị trường phát triển đúng, phát triển tự nhiên, thoả mãn nhu cầu của người tiêu dùng là tốt nhất.

“Hoạt động kinh doanh nào cũng có rủi ro, Nhà nước không thể can thiệp ngăn chặn hoàn toàn các rủi ro này mà chỉ có thể hạn chế rủi ro ở mức độ thấp nhất”, ông Hiếu nhấn mạnh và làm rõ, bên cạnh rủi ro của cá nhân thì còn có rủi ro của tổ chức.

Vì vậy, vị chuyên gia này đưa ra 2 kiến nghị với Ngân hàng Nhà nước. Thứ nhất, ngoài việc bảo vệ người tiêu dùng, nâng cao nhận thức cho thì cũng phải để người dân chịu một phần rủi ro để tự rút kinh nghiệm. “Cần tính đến việc phá sản cá nhân, không thể nói cá nhân không thể phá sản”, ông Hiếu nói.

Thứ hai, Ngân hàng Nhà nước cũng không nên để các tranh chấp hợp đồng tín dụng tiêu dùng kéo dài 2 – 3 năm hoặc không có cơ hội để giải quyết văn minh, nhanh chóng.

Năm 2021, FLC dự kiến kế hoạch lợi nhuận trên 1.100 tỷ đồng, cổ tức 10%

Hội đồng quản trị FLC dự kiến trình Đại hội đồng cổ đông thông qua phương án chia cổ tức từ nguồn lợi nhuận luỹ kế 2021 với tỷ lệ 10%…

Quần thể du lịch FLC Sầm Sơn.

Hội đồng quản trị FLC dự kiến trình Đại hội đồng cổ đông thông qua phương án chia cổ tức từ nguồn lợi nhuận luỹ kế 2021 với tỷ lệ 10%.

Tập đoàn FLC sẽ tổ chức Đại hội đồng cổ đông vào ngày 12/4 tới. Nguồn tin từ FLC cho biết, tại đây Hội đồng Quản trị dự kiến trình cổ đông kế hoạch lợi nhuận trước thuế năm 2021 trên 1.100 tỷ đồng, doanh thu hợp nhất hơn 15.000 tỷ.

Năm 2020, FLC ghi nhận doanh thu hợp nhất hơn 13.500 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế trên 421 tỷ đồng và sau thuế gần 308 tỷ. Như vậy, nếu kế hoạch được Đại hội đồng cổ đông thông qua, thì so với 2020, FLC đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế 2021 tăng gấp gần 3 lần.

Về cổ tức, Hội đồng Quản trị FLC dự kiến trình Đại hội đồng cổ đông thông qua phương án chia cổ tức từ nguồn lợi nhuận luỹ kế 2021 với tỷ lệ 10% (cổ tức bằng cổ phiếu hay tiền mặt sẽ do Hội đồng Quản trị quyết định).

Theo thông tin từ FLC, lĩnh vực bất động sản nhiều khả năng sẽ chiếm một tỷ trọng lớn trong cơ cấu doanh thu của doanh nghiệp trong 2021.

Kế hoạch 2021, FLC dự kiến phát triển và ra mắt gần 20 dự án tại các thị trường Hà Nội, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Thanh Hoá, Bình Định, Quảng Bình, Gia Lai, Kontum, Đồng Tháp… thuộc hai phân khúc chiến lược là bất động sản đô thị và nghỉ dưỡng.

Trong mảng bất động sản đô thị, có thể kể đến các dự án trọng điểm như khu đô thị FLC Premier Parc (Hà Nội), FLC Tropical Halong (Quảng Ninh), FLC Legacy Kontum (Kontum), FLC La Vista Sadec (Đồng Tháp); tổ hợp thương mại, dịch vụ và nhà ở cao cấp FLC Hilltop Gialai (Gia Lai)…

Mảng bất động sản nghỉ dưỡng đang tiếp tục được FLC xúc tiến tích cực: quần thể FLC Quảng Bình giai đoạn 2 với hai hạng mục quan trọng là khách sạn 5 sao FLC Grand Hotel Quảng Binh và Trung tâm Hội nghị Quốc tế; quần thể FLC Vĩnh Phúc giai đoạn 2; khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái FLC Hà Giang vừa chính thức khởi công gần đây…

Trước đó, nửa cuối năm 2020, trong đà phục hồi mạnh mẽ sau giai đoạn đầu gặp khó khăn vì Covid, FLC đã đưa nhiều dự án lớn về đích như khai trương khách sạn quy mô lớn nhất Việt Nam FLC Grand Hotel Quy Nhơn, hay bàn giao Tổ hợp văn phòng, căn hộ khách sạn và trung tâm thương mại FLC Sea Tower Quy Nhơn…

Tháng 3/2021, cổ phiếu FLC đã được cấp margin trở lại, trong khi hãng hàng không Bamboo Airways do FLC thành lập đang có kế hoạch lên sàn HOSE hoặc HNX trong quý 3 năm nay.

Tập đoàn FLC cũng đang có kế hoạch tăng thêm gần 5.000 tỷ đồng vốn điều lệ, dự kiến được trình lên Đại hội đồng cổ đông vào ngày 12/4 tới. Lượng vốn phát hành thêm được tập trung sử dụng đầu tư vào các dự án bất động sản tiềm năng.

Năm 2020, lương lãnh đạo tại HNX đạt bình quân 62,25 triệu đồng/tháng

Có 4 người quản lý tại HNX với mức lương bình quân trong năm qua là 62,25 triệu đồng/người/tháng, cao hơn 6,5 triệu đồng/người/tháng so với kế hoạch (kế hoạch 55,76 triệu đồng/người/tháng)…

rong năm 2020, HNX đã chấp thuận niêm yết cho 14 doanh nghiệp với giá trị đăng ký niêm yết đạt hơn 16,9 nghìn tỷ đồng, đạt 140% kế hoạch năm.

Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa công bố báo cáo quỹ tiền lương, thưởng thực hiện năm 2020 và kế hoạch năm 2021.

Cụ thể: trong năm qua, mức lương bình quân của người lao động tại HNX đạt 26,347 triệu đồng/người/tháng, cao hơn một chút so với kế hoạch 25,259 triệu đồng. Quỹ tiền thưởng, phúc lợi phân phối trực tiếp cho người lao động là hơn 17,86 tỷ đồng trong năm 2020.

Tiền lương của người quản lý, có 4 người quản lý tại HNX với mức lương bình quân trong năm qua là 62,25 triệu đồng/người/tháng, cao hơn 6,5 triệu đồng/người/tháng so với kế hoạch (kế hoạch 55,76 triệu đồng/người/tháng). Quỹ tiền thưởng cấp quản lý năm qua là 374 triệu đồng.

Năm 2020, lương lãnh đạo tại HNX đạt bình quân 62,25 triệu đồng/tháng - Ảnh 1.

Báo cáo quỹ tiền lương của HNX.

Theo báo cáo, trong năm 2020, tổng doanh thu HNX đạt hơn 789,2 tỷ đồng, tương đương 126,89% kế hoạch năm 2020 là 621,9 tỷ đồng; Lợi nhuận trước thuế đạt 499,2 tỷ đồng, tương đương 147,4% kế hoạch năm 2020 là 388,675 tỷ đồng.

Trong năm 2020, HNX đã chấp thuận niêm yết cho 14 doanh nghiệp với giá trị đăng ký niêm yết đạt hơn 16,9 nghìn tỷ đồng, đạt 140% kế hoạch năm. Đến ngày 31/12/2020, có 353 doanh nghiệp với giá trị niêm yết đạt hơn 144,93 nghìn tỷ đồng, giá trị văn hóa đạt 212,3 nghìn tỷ đồng (giảm 14 doanh nghiệp nhưng tăng xấp xỉ 10,57% về giá trị vốn hóa so với cuối năm 2019).

Thanh khoản thị trường tăng mạnh so với năm 2019, khối lượng giao dịch bình quân tính tới 31/12 đạt 60,7 triệu cổ phiếu/phiên, giá trị giao dịch bình quân đạt hơn 720,6 tỷ đồng/phiên, tăng 91,8% về khối lượng và 76% về giá trị so với năm trước.

Với sàn UPCom, HNX đã chấp thuận và đưa vào giao dịch 71 doanh nghiệp mới (đạt 88% kế hoạch năm) với tổng giá trị ĐKGD mới đạt hơn 34,3 nghìn tỷ đồng. Thanh khoản thị trường tăng mạnh so với năm 2019, tính bình quân, khối lượng giao dịch đạt 28,9 triệu cổ phiếu/phiên, giá trị giao dịch đạt 420,3 tỷ đồng/phiên, tăng 95,9% về khối lượng và 42,3% về giá trị giao dịch so với năm trước.

Về thị trường phái sinh (TTCKPS), trong năm 2020, hợp đồng tương lai VN30 có khối lượng giao dịch bình quân đạt hơn 158 nghìn hợp đồng/phiên, tăng gần 80% so với năm trước, khối lượng OI tính đến cuối năm đạt hơn 40.000 hợp đồng, tăng gần 2,5 lần so với cuối năm 2019.

Sang năm 2021, HNX đặt kế hoạch tổng doanh thu đạt 823,99 tỷ đồng, tăng 4,4% so với thực hiện năm trước, trong khi lợi nhuận kế hoạch năm 2021 chỉ tương đương năm 2019 với 499,85 tỷ đồng.

HNX cho biết trong năm 2021, Sở sẽ đảm bảo vận hành an toàn hệ thống, đặc biệt là hệ thống giao dịch chứng khoán, không để xảy lỗi hệ thống ảnh hưởng đến thị trường và nhà đầu tư; đảm bảo TTCK hoạt động an toàn, hiệu quả.

VIC cân chỉ số, đảo ngược cả giao dịch của khối ngoại

Ảnh hưởng của VIC là quá lớn trong phiên. “Siêu trụ” này vừa đỡ chỉ số bớt xấu, vừa đảo ngược vị thế giao dịch của khối ngoại từ bán ròng sang mua ròng…

Không cần đợi đến 14.000 tỷ, lệnh vào sàn HSX đã trục trặc ngay từ đầu giờ sáng. Đồ thị Vn-Index sáng nay bị kéo xả theo mô hình chữ W và giảm dần về chiều, dập dình đi ngang, suýt chút nữa đã phải chốt phiên ở giá đỏ.

Phiên sáng chứng kiến sự hồi phục của nhiều cổ phiếu lớn. Nhóm ngân hàng quay trở lại tăng giá với mức tăng khá tốt. Ở nhóm vốn hóa lớn, cổ phiếu ngân hàng chỉ có VPB, ACB giảm điểm trong khi các mã đều tăng tốt. 

VIC là điểm sáng của thị trường hôm nay. Thông tin mới về việc kết hợp với Foxconn làm ô tô điện dường như trở thành chất xúc tác mạnh đẩy mã này bật tăng mạnh có lúc tăng đến 4,1%, cân chỉnh chỉ số. 

Nhưng lực mua càng lúc càng yếu dần về chiều đẩy nhiều cổ phiếu giảm trở lại hoặc quay về tham chiếu. 

Nhóm ngân hàng thể hiện rõ rệt nhất diễn biến này khi loạt cổ phiếu nhà băng rớt giá, mức tăng giảm khá lớn so với phiên sáng. CTG phiên sáng còn tăng gần 3% thì tới cuối giờ chiều nhờ ATC mà vẫn còn giữ được 1,03%. Nhờ lệnh mua giá cao ngay cuối phiên cũng giúp BID còn tăng 0,24% trong khi cổ này tụt áp mạnh xuống dưới tham chiếu dù đã có nhịp tăng 1,8% trong phiên sáng. ACB, VPB giảm mạnh hơn trong khi MBB quay ngoắt giảm 0,18% từ giữa phiên chiều. Trên sàn Hà Nội, SHB và BAB cũng quay đầu giảm điểm về chiều trong khi loạt cổ phiếu ngân hàng trên UPCoM cũng đều đỏ giá. 

Cả nhóm duy chỉ có SSB vẫn giữ giá tím trong phiên thứ 2 lên sàn, dù chỉ có 1,4 triệu đơn vị được khớp nhưng mã này vẫn chất mua trần hơn 4,6 triệu đơn vị và trắng bên bán. 

VIC vẫn là trụ chính của chỉ số song cũng không thoát được khỏi việc giảm nhẹ. Cổ phiếu này có dấu hiệu bị xả trong phần lớn thời gian. VIC đạt đỉnh 112.400 đồng (+4,17%) ngay lúc 10h45 sáng. Suốt thời gian còn lại giá trượt dần. Thậm chí hết phiên sáng khối ngoại còn bán ròng 234.100 cổ VIC. Sang chiều VIC được khối này quay lại mua rất tốt với tổng lượng mua cả ngày tới 7,75 triệu cổ. Tuy vậy giá vẫn không thể quay lại đà tăng mạnh như cũ.

VIC cân chỉ số, khối ngoại bất ngờ trở lại mua ròng sau 24 phiên - Ảnh 1.

Diễn biến của VIC hôm nay

Chốt phiên mã VIC còn tăng 2,32%, đóng góp tăng hơn 2 điểm cho VN-Index. Nhờ VIC và một số mã ngân hàng gồm SSB, CTG, VCB…, VN-Index chốt tăng 1,29 điểm tương đương tăng 0,11%. 

Lực bán mạnh dần hơn ở rổ VN30 về cuối phiên. Nếu sáng nay VN30 có 14 mã tăng 12 mã giảm thì tới cuối giờ chiều, chênh lệch này đã nghiêng hẳn về bên bán với 12 mã tăng 17 mã giảm giá. 

Nhờ VIC nên VN30 không giảm quá mạnh, kết phiên chỉ giảm 0,08% với giá trị khớp lệnh 6.318 tỷ đồng. Tình trạng cũng tương tự với nhóm Midcap và Smallcap khi cả 2 chỉ số trên cũng lần lượt giảm 0,03% và 0,21%. Hôm nay FLC và ROS vẫn được mua bán lớn nhất thị trường. FLC lại tăng trần đưa thị giá cổ phiếu vượt mệnh giá sau 7 năm trong khi ROS lại ngược chiều giảm 2,34%. 

Khớp lệnh trên HSX hôm nay đạt 13.531 tỷ, giảm gần 9% cho thấy bên bán đã thoát được phần lớn trong phiên hôm qua. Dù lực bán từ nhà đầu tư trong nước vẫn là chủ đạo song tín hiệu tích cực hôm nay đến từ việc dòng tiền mua từ khối ngoại trở lại. 

Khối ngoại trở lại mua ròng trên HSX sau 24 phiên bán ròng liên tiếp. Giá trị mua ròng hôm nay đạt 267,7 tỷ đồng, tập trung lớn nhất vào VIC. Giá trị mua ròng VIC lên đến 756 tỷ đồng, sau gần 3 tháng, khối ngoại mới có một phiên trở lại tích cực gom VIC như vậy. Thế nhưng nhà đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục ròng rã bán ra VNM, CTG trong đó VNM tiếp tục bị bán ròng thêm 132 tỷ. 

Nhóm này cũng tiếp tục mua ròng trên sàn Hà Nội và UpCoM với tổng giá trị hơn 26 tỷ, chủ yếu là gom ACV và BSR. Dù vậy, do thiếu động lực tăng giá, 2 chỉ số HNX-Index và UPCoM-Index vẫn giảm lần lượt 0,56% và 0,15% hôm nay.