Hai quỹ ngoại liên quan tới Dragon Capital đã bán hết hơn 100 triệu cổ phiếu ACB

Như vậy, hai quỹ liên quan tới Dragon Capital đã bán hơn 100 triệu cổ phiếu ACB, tương đương với 4,989% vốn điều lệ ngân hàng và còn nắm giữ bất kỳ cổ phiếu nào của ACB…

Sơ đồ giao dịch giá cổ phiếu ACB từ đầu năm đến nay.

Ngân hàng Thương mại Cổ phần Á Châu (mã ABC-HOSE) báo cáo giao dịch cổ phiếu của tổ chức có liên quan đến người nội bộ của ACB.

Theo đó, Asia Reach Investments Limited (ARIL) đã bán thành công hơn 54,3 triệu cổ phiếu, tương ứng 2,514% vốn, Còn, First Burns Investments Limited (FBIL) cũng đã bán hết hơn 53,5 triệu cổ phiếu ACB, tỷ lệ 2,475%. Các giao dịch được thực hiện từ ngày 10/3 đến ngày 19/3/2021, theo phương thức thoả thuận.

Như vậy, hai quỹ liên quan tới Dragon Capital đã bán hơn 100 triệu cổ phiếu ACB, tương đương với 4,989% vốn điều lệ ngân hàng và còn nắm giữ bất kỳ cổ phiếu nào của ACB.

Được biết, cả hai cổ đông trên đều là tổ chức liên quan đến ông Dominic Timothy Charles Scriven – Thành viên Hội đồng quản trị của ACB.

Trong khi đó, hai quỹ ngoại khác cũng liên quan liên quan tới Dragon Capital do ông Dominic Timothy Charles Scriven – Thành viên Hội đồng quản trị của ACB là Samsung Vietnam Securities Master Investment Trust [Equity] (SSMIT) đăng ký mua 500.000 cổ phiếu và Norges Bank đăng ký mua 10 triệu cổ phiếu ACB, chiếm 0,462%. Thời gian đăng ký mua của hai quỹ trên là từ ngày 19/3 đến 16/4/2021.

Năm 2021, HĐQT công ty dự kiến tổng tài sản tăng 10%; tiền gửi khách hàng tăng 9%; tín dụng tăng 9%; tỷ lệ nợ xấu dưới 2% và lợi nhuận trước thuế của Tập đoàn đạt 10.602 tỷ đồng.

Đồng thời, kiến nghị ĐHĐCĐ thông qua phương án phân phối lợi nhuận năm 2020 với mức chia cổ tức năm 2020 là 25% bằng cổ phiếu và cổ tức năm 2021 cũng là 25% bằng cổ phiếu.

Dự kiến ngày 6/4 tới, ACB sẽ tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2021 tại Khách sạn Sheraton Sài Gòn, 88 Đồng Khởi, phường Bến Nghé, quận 1, Tp.HCM.

Lợi suất trái phiếu Mỹ tăng vọt bắt đầu lan tới Việt Nam?

Lợi tức trái phiếu tăng chủ yếu do tác động tâm lý từ diễn biến tăng mạnh của trái phiếu chính phủ Mỹ. Thanh khoản các ngân hàng thương mại vẫn rất dồi dào nên nhiều khả năng lãi suất trái phiếu chính phủ của Việt Nam vẫn dao động trong biên độ hẹp…

Tuần qua lãi suất trúng thầu các kỳ hạn 10, 15 và 30 năm đều tăng 3-4 điểm cơ bản nhưng tỷ lệ trúng thầu vẫn thấp (30-50%) cho thấy thị trường vẫn kỳ vọng mức lãi suất trúng thầu cao hơn.

Trung tâm phân tích chứng khoán của Công ty Chứng khoán SSI vừa có báo cáo về thị trường tiền tệ tuần trước (15/3 – 19/3).

Theo đó, cơ quan này cho biết, tuần trước, thị trường mở tiếp tục không phát sinh giao dịch, lãi suất trên liên ngân nhích nhẹ 2-3 điểm cơ bản, chốt tuần ở mức 0.36%/năm với kỳ hạn qua đêm và 0.5%/năm với kỳ hạn 1 tuần.

Lãi suất ổn định, giá USD chịu áp lực từ thị trường thế giới - Ảnh 1.

Nguồn: Bloomberg, SBV, SSI tổng hợp

Bên cạnh đó, từ đầu tháng 3 đến nay, một số ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất tiền gửi với khách hàng cá nhân từ 10-40 điểm cơ bản nhưng vẫn giữ nguyên lãi suất tiền gửi với khách hàng tổ chức.

Vì vậy, SSI cho rằng cho rằng lãi suất tiền gửi và cho vay sẽ vẫn ổn định trong quý I, đầu  quý II và có thể nhích tăng từ cuối quý II khi các hoạt động kinh tế sôi động hơn giúp tăng cầu tín dụng.

Về diễn biến trên thị trường ngoại hối, trong phiên họp tháng 3 của Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có kết quả không nhiều bất ngờ khi FED giữ quan điểm duy trì tốc độ nới lỏng hiện tại (lãi suất 0-0,25% và chưa tăng trở lại cho đến hết 2023) nhưng nâng dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ từ 4,2% lên 6,5% trong năm 2021, lạm phát có thể chạm 2,4% vào cuối 2021 và hạ nhiệt vào 2022.

Tuy vậy, tâm lý tích cực chỉ duy trì khá ngắn, thị trường tỏ ra hoài nghi đối với quan điểm lạm phát của FED, trái phiếu chính phủ Mỹ tiếp tục bị bán tháo mạnh đẩy lợi tức trái phiếu chính phủ Mỹ tăng thêm 4-10 điểm cơ bản trong tuần qua, lên mức 1,72%/năm với kỳ hạn 10 năm. Kỳ vọng phục hồi mạnh của nền kinh tế Mỹ khiến đồng USD tăng giá, DXY chốt tuần ở sát 92, hầu hết các đồng tiền giảm giá so với USD.

Lãi suất ổn định, giá USD chịu áp lực từ thị trường thế giới - Ảnh 2.

Nguồn: Bloomberg, SSI tổng hợp

Tại Việt Nam, tỷ giá trung tâm tăng 11 VND lên 23.194 VND khiến tỷ giá niêm yết của các ngân hàng thương mại tăng thêm 20 VND, lên 22.950/23.160 VND. Tỷ giá tự do bật tăng trở lại, tăng tới 150 VND chiều mua vào và 100 VND chiều bán ra, ở mức 23.900/23.930 VND.

Tình hình xuất nhập khẩu trong nửa đầu tháng 3 vẫn tích cực, trong đó xuất khẩu tăng 19,3% so với cùng kỳ và cán cân thương mại tiếp tục hướng xuất siêu, ở mức 1,81 tỷ USD từ đầu năm tới nay. Hiện cung cầu ngoại tệ trong nước đang khá thuận lợi nên tỷ giá USD/VND về dài hạn vẫn ổn định, tuy nhiên có thể dao động trong ngắn hạn theo diễn biến của đồng USD trên thị trường quốc tế.

Trên thị trường trái phiếu chính phủ, tuần qua, Kho bạc Nhà nước gọi thầu 6,5 nghìn tỷ đồng trái phiếu chính phủ ở 5 kỳ hạn từ 5 đến 30 năm. Vùng lãi suất đăng ký kỳ hạn 5 năm tăng thêm tới 7 điểm cơ bản, mức thấp nhất vẫn cao hơn lãi suất trúng thầu tuần trước nên không gọi thầu thành công. Lãi suất trúng thầu các kỳ hạn 10, 15 và 30 năm đều tăng 3-4 điểm cơ bản nhưng tỷ lệ trúng thầu vẫn thấp (30-50%) cho thấy thị trường vẫn kỳ vọng mức lãi suất trúng thầu cao hơn.

“Lợi tức trái phiếu tăng chủ yếu do tác động tâm lý từ diễn biến tăng mạnh của trái phiếu chính phủ Mỹ, thanh khoản các ngân hàng thương mại vẫn rất dồi dào nên nhiều khả năng lãi suất trái phiếu chính phủ của Việt Nam vẫn dao động trong biên độ hẹp”, nhóm nghiên cứu tại SSI nhận định.

Trên thị trường thứ cấp, lợi tức trái phiếu chính phủ tăng ở tất cả các kỳ hạn. Chốt tuần ở mức 1 năm 0,26%; 3 năm 0,66%; 5 năm 1,13%; 10 năm 2,45%; 15 năm 2,65%; 20 năm 3,04%; 30 năm 3,8%. Tổng giá trị giao dịch tuần đạt 47 nghìn tỷ đồng, tăng 12% so với tuần trước,

Đáng chú ý, nhà đầu tư nước ngoài có tuần bán ròng đầu tiên kể từ đầu năm nhưng mức bán ròng chỉ là 62 tỷ đồng. Tuy nhiên, lũy kế vẫn mua ròng 5,23 nghìn tỷ đồng từ đầu năm đến nay.

Thị trường có thể hồi phục kiểm định lực cầu

VnEconomy giới thiệu nhận định và khuyến nghị đầu tư của một số công ty chứng khoán về diễn biến thị trường ngày 25/3/2021…

Theo BSC, VN-Index nhiều khả năng sẽ tích lũy trong vùng 1160-1180 trong các phiên giao dịch tới.

VnEconomy giới thiệu nhận định và khuyến nghị đầu tư của một số công ty chứng khoán về diễn biến thị trường ngày 25/3/2021.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 24/3, chỉ số VnIndex giảm 21,64 điểm – đương đương 1,83%, xuống 1.161,81 điểm. Chỉ số HnxIndex giảm 3,65 điểm – tương đương 1,34%, đóng cửa ở mức 268,69 điểm.

Tiếp tục dao động đi ngang 1.150-1.190

(Công ty Cổ phần Chứng khoán Bảo Việt – BVSC)

“Vn-Index dự báo sẽ cho phản ứng tăng điểm trở lại khi kiểm định vùng hỗ trợ 1150-155 điểm trong phiên kế tiếp. Đây là vùng hỗ trợ quan trọng và có tính quyết định đối với xu thế của thị trường ở thời điểm hiện tại. Do đó, nếu để mất vùng điểm này, xu hướng của thị trường sẽ có chuyển biến theo hướng tiêu cực trong ngắn hạn. Về tổng thể, chúng tôi vẫn thiên về kịch bản thị trường sẽ tiếp tục dao động trong kênh giá đi ngang 1150-1190 điểm trong giai đoạn này.

Chiến lược đầu tư: Duy trì tỷ trọng nắm giữ cổ phiếu trong danh mục ở mức 35- 50% cổ phiếu; Nhà đầu tư đang nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu cao tiếp tục xem xét bán giảm tỷ trọng trong các nhịp hồi phục của thị trường; Đối với các nhà đầu tư đang có vị thế tiền mặt lớn, có thể xem xét giải ngân trở lại với tỷ trọng thấp và ưu tiên các cổ phiếu có sẵn trong tài khoản khi chỉ số giảm về vùng hỗ trợ mà chúng tôi đề cập”.

Nhiều khả năng sẽ tích luỹ trong vùng 1160-1180

(Công ty Cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam – BSC)

“Thị trường điều chỉnh mạnh xuống ngưỡng 1160 điểm nối tiếp với phiên giảm hôm qua. Dòng tiền đầu thoát khỏi thị trường khi chỉ có 2/19 ngành tăng điểm. Thanh khoản tăng nhẹ và độ rộng thị trường tiêu cực cho thấy áp lực chốt lãi ngắn hạn tăng mạnh trong phiên hôm nay. Khối ngoại tiếp tục bán ròng trên sàn HSX và mua ròng tại sàn HNX. Một thông tin tích cực cho thị trường là sắp có hơn 8,000 tỷ đồng từ quỹ Fubon FTSE sắp chảy vào Việt Nam khi nhà đầu tư đặt mua hết chứng chỉ quỹ này. Dòng tiền này sẽ chủ yếu chảy vào nhóm cổ phiếu VN30 và tạo lực đỡ thị trường tại ngưỡng 1160 điểm. Với dòng tiền khối ngoại mới đổ vào trong thời gian tới, VN-Index nhiều khả năng sẽ tích lũy trong vùng 1160-1180 trong các phiên giao dịch tới”.

VN-Index vẫn đang nằm trong sóng tăng 5

(Công ty Cổ phần Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội – SHS)

“Thị trường chứng khoán Mỹ điều chỉnh trong phiên đêm qua đã khiến cho tâm lý nhà đầu tư Việt Nam trở nên tiêu cực. Dẫn đến lực bán mạnh trong phiên hôm nay, rất may là chỉ số VN-Index vẫn kết phiên được trên ngưỡng hỗ trợ 1.155 điểm (MA50) khi lực cầu bắt đáy xuất hiện tại đây. Trên thị trường phái sinh, hợp đồng tương lai VN30 các kỳ hạn cũng kết phiên cao hơn chỉ số cơ sở VN30 từ 5-9 điểm cho thấy các nhà giao dịch nghiêng về khả năng thị trường sẽ hồi phục trong phiên tới.

Trên góc nhìn kỹ thuật, VN-Index vẫn đang nằm trong sóng tăng 5 và chưa có dấu hiệu kết thúc nên khả năng tăng trong phiên tới được chúng tôi đánh giá cao hơn với kháng cự gần nhất quanh 1.180 điểm (MA20).

Nhà đầu tư trung hạn đã mua vào trước Tết có thể tiếp tục nắm giữ cổ phiếu với kỳ vọng sóng tăng 5 sẽ tiếp tục trong thời gian tới. Nhà đầu tư ngắn hạn đã mua vào trong phiên 9/3, 10/3, 18/3 khi thị trường test ngưỡng hỗ trợ MA20 nếu chưa chốt lời trong phiên 18/3 và 22/3 có thể chờ đợi những nhịp thị trường test ngưỡng 1.200 điểm để chốt lời.

Những nhà đầu tư mua vào trong phiên 23/3 khi thị trường điều chỉnh về hỗ trợ MA20 và trong phiên 24/3 khi thị trường chỉnh về MA50 tiếp tục quan sát và có thể canh mua thêm nếu thị trường có nhịp điều chỉnh về ngưỡng hỗ trợ 1.155 điểm (MA50)”.

Có thể mua vào các cổ phiếu tốt

(Công ty Cổ phần Chứng khoán Rồng Việt – VDSC)

“Thị trường chứng khoán đã có nhịp điều chỉnh mạnh trong thời gian qua và hiện tại thời đang được hỗ trợ ngắn hạn. Nên sẽ sớm xuất hiện nhịp hồi phục là tất yếu, cùng đó các cổ phiếu vốn hóa lớn cũng có thời gian giảm giá tạo cân bằng mới. Như vậy các nhà đầu tư ngắn hạn có thể mua vào các cổ phiếu tốt đang trên nền hỗ trợ tích cực để tích lũy lợi nhuận ngắn hạn”.

Có thể có những động thái hồi phục

(Công ty Cổ phần Chứng khoán Bản Việt – VCSC)

“Tín hiệu kỹ thuật ngắn hạn của VN-Index, VN30 và VNMidcap tạm chuyển xuống mức trung tính với hỗ trợ tiếp theo là đường MA50 ngày. Trong khi đó, HNX-Index, VNSmallcap đã đánh mất tín hiệu Tích cực để chuyển về trạng thái Trung tính.

Dự báo trong phiên ngày mai, thị trường có thể có những động thái hồi phục để các chỉ số chứng khoán kiểm định lại các hỗ trợ vừa đánh mất. Đối với VN-Index, chỉ số này có thể sẽ kiểm định lại lực cầu tại khu vực 1175-1178 điểm. Nếu lực mua đủ mạnh giúp VN-Index đóng cửa cao hơn mức này, chỉ số sẽ phát tín hiệu tiếp tục dao động trong kênh xu hướng 1150-1200 điểm kéo dài hơn 1 tháng qua. Tuy nhiên, nếu VN-Index thể hiện sự suy yếu vào cuối ngày, đóng cửa dưới mốc 1158 điểm, tín hiệu của xu hướng tăng trung hạn sẽ bị ảnh hưởng. Ở kịch bản này, VN-Index có thể sẽ đối diện với một nhịp điều chỉnh giảm về hỗ trợ tiếp theo tại 1090 điểm”

Nhận định thị trường của các công ty chứng khoán được VnEconomy trích dẫn chỉ có giá trị như một nguồn thông tin tham khảo. Các công ty chứng khoán có thể có những xung đột lợi ích đối với các nhà đầu tư khi đưa ra nhận định.

Giá vàng ngược chiều thế giới, USD tự do chạm 24.000 đồng

Sau một thời gian giằng co mạnh dưới ngưỡng 24.000 đồng, giá USD tự do đã chính thức chạm mốc này…

Ảnh minh họa – Ảnh: Bloomberg.

Giá vàng thế giới giảm đêm qua và sáng nay (23/3), nhưng giá vàng miếng trong nước tăng so với sáng qua. Giá USD tự do chính thức chạm mốc 24.000 đồng, giá USD ngân hàng cũng tăng.

Lúc hơn 10h trưa, Tập đoàn DOJI niêm yết giá vàng miếng SJC cho thị trường Hà Nội ở mức 55,15 triệu đồng/lượng (mua vào) và 55,55 triệu đồng/lượng (bán ra). So với cùng thời điểm ngày hôm qua, giá vàng miếng tại DOJI hiện tăng 50.000 đồng/lượng ở chiều mua vào nhưng không thay đổi ở chiều bán ra.

Tại thị trường Tp.HCM, Công ty SJC cũng báo giá vàng miếng cùng thương hiệu ở mức 55,2 triệu đồng/lượng và 55,6 triệu đồng/lượng, tăng tương ứng 100 đồng/lượng và 50.000 đồng/lượng.

Giá các sản phẩm vàng 999,9 khác có nơi tăng 150.000-200.000 đồng/lượng, có nơi giảm.

Nhẫn tròn Phú Quý của Tập đoàn Phú Quý có giá 51,2 triệu đồng/lượng và 51,95 triệu đồng/lượng, tăng tương ứng 200.000 đồng/lượng và 150.000 đồng/lượng so với sáng qua.

Nhẫn tròn Rồng Thăng Long của Công ty Bảo Tín Minh Châu có giá 51,51 triệu đồng/lượng và 52,11 triệu đồng/lượng, giảm 50.000 đồng/lượng ở cả hai đầu giá.

So với giá vàng thế giới quy đổi, giá vàng miếng bán lẻ sáng nay cao hơn khoảng 7,2 triệu đồng/lượng, từ chỗ chênh 7 triệu đồng/lượng vào sáng qua.

Với chênh lệch giá vàng trong nước-thế giới bị kéo giãn, giá USD thị trường tự do cũng đi lên. Sau một thời gian giằng co mạnh dưới ngưỡng 24.000 đồng, giá USD tự do đã chính thức chạm mốc này.

Sáng nay, giá USD trên thị trường tự do ở Hà Nội phổ biến ở mức 23.940 đồng (mua vào) và 24.000 đồng (bán ra). So với sáng qua, giá USD tự do sáng nay không thay đổi ở chiều mua nhưng tăng 20 đồng ở chiều bán.

Giá USD niêm yết tại Ngân hàng Vietcombank tăng thêm 5 đồng, lên mức 22.990 đồng và 23.170 đồng.

Giá vàng giao ngay tại thị trường châu Á lúc hơn 10h theo giờ Việt Nam đứng ở 1.734,9 USD/oz, giảm 5,4 USD/oz so với đóng cửa phiên Mỹ đêm qua. Trong phiên New York ngày thứ 22/3, giá vàng giảm 5,6 USD/oz, tương đương giảm hơn 0,3%, còn 1.740,3 USD/oz.

Mức giá hiện tại của vàng thế giới tương đương khoảng 48,4 triệu đồng/lượng nếu được quy đổi theo giá USD bán ra tại Vietcombank và chưa tính các chi phí liên quan.

Vàng chịu áp lực giảm giá từ phiên tăng điểm ngày thứ Hai của thị trường chứng khoán Mỹ và đồng USD mạnh lên, hãng tin Reuters cho hay.

Nhờ cổ phiếu công nghệ được mua mạnh trở lại, cả ba chỉ số chính của thị trường chứng khoán Mỹ cùng tăng trong phiên đầu tuần, trong đó chỉ số Nasdaq tăng hơn 1,2%.

Chỉ số Dollar Index đo sức mạnh đồng USD sáng nay dao động quanh ngưỡng 91,9 điểm, tăng hơn 0,1% so với mức chốt của phiên đêm qua.

Tuy nhiên, đà giảm của giá vàng bị hạn chế khi một bộ phận nhà đầu tư lo ngại về làn sóng Covid-19 mới ở châu Âu.

Gần 1/3 dân số Pháp phải thực thi lệnh phong tỏa mới kéo dài 1 tháng bắt đầu từ hôm thứ Bảy vừa rồi. Đức có kế hoạch gia hạn lệnh phong tỏa sang tháng thứ 5, theo một dự thảo đề xuất của Chính phủ nước này. Thủ tướng Anh Boris Johnson ngày 22/3 cảnh báo rằng làn sóng Covid-19 thứ ba đang hoành hành ở châu Âu đại lục có thể quét sang Anh.

Phát biểu ngày 22/3, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell nhận định rằng nên kinh tế Mỹ “đã cải thiện nhiều”, nhưng cảnh báo rằng sự phục hồi “còn lâu mới hoàn tất”.

Sau nhiều phiên bán ròng, quỹ giao dịch hoán đổi (ETF) vàng lớn nhất thế giới SPDR Gold Trust hôm thứ Sáu tuần trước đã mua ròng, nâng khối lượng nắm giữ 0,3%.

Một trong 4 cổ đông lớn muốn bán hết 10,18% vốn tại Sữa Quốc tế

Lothamilk muốn bán hết 6 triệu cổ phiếu IDP, chiếm 10,18% vốn điều lệ tại IDP, nhằm cân đối tài chính hoạt động của công ty năm 2021…

Tính đến ngày 31/12/2020, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối lỗ 74,2 tỷ, giảm mạnh so với sô lỗ 579 tỷ đồng hồi đầu năm.

CTCP Lothamilk vừa thông báo đăng ký bán hết cổ phiếu của CTCP Sữa Quốc tế (mã IDP-UpCoM).

Theo đó, Lothamilk đăng ký bán hết 6 triệu cổ phiếu IDP, chiếm 10,18% vốn điều lệ tại IDP, nhằm cân đối tài chính hoạt động của công ty năm 2021. Giao dịch dự kiến thực hiện theo phương thức thỏa thuận và khớp lệnh từ ngày 29/3 đến ngày 27/4/2021.

CTCP Lothamilk có trụ sở chính đặt tại Km14, Quốc lộ 51, phường Tam Phước, TP. Biên Hòa, Đồng Nai do bà Chu Hải Yến là Phó Tổng Giám đốc của IDP cũng là Ủy viên HĐQT của Lothamilk và bà Trương Ngọc Hoài Phương là Thành viên BKS của IDP và Lothamilk.

Được biết, 58,9 triệu cổ phiếu IDP sẽ giao dịch trên UpCoM từ ngày 7/1/2021, giá tham chiếu trong ngày đầu giao dịch là 50.000 đồng/cổ phiếu.

Theo dữ liệu trên HNX, hầu như không có cổ phiếu IDP nào được khớp lệnh và tới ngày 12/1, giá cổ phiếu tăng mạnh lên 70.000 đồng cổ phiếu và nay điều chỉnh giảm còn 50.600 đồng/cổ phiếu với 100 cổ phiếu được khớp lệnh vào ngày 22/3.

Về cơ cấu cổ đông, tính đến thời điểm ngày 4/12/2020, công ty có 126 cổ đông – trong đó cổ đông trong nước có 3 tổ chức nắm giữ 85,74% vốn tại IDP – tương ứng 50.540.353 cổ phiếu; 117 cổ đông cá nhân nắm giữ 12,77% – tương ứng 7.524.558 cổ phiếu và 6 cổ đông cá nhân nước ngoài nắm giữ 880.561 cổ phiếu, chiếm 1,49%

Cũng tính đến ngày 4/12/2020, công ty có 4 cổ đông lớn nắm giữ trên 5% vốn cổ phần của công ty, bao gồm: Công ty Cổ phần Blue Point sở hữu 60,56% vốn, Công ty Cổ phần Chứng khoán Bản Việt (mã VCI – HOSE) sở hữu 15%, Công ty Cổ phần Lothamik sở hữu 10,18% và Tổng giám đốc Sữa Quốc Tế Đặng Phạm Minh Loan nắm 5%.

Đáng chú ý là trước khi lên sàn UpCoM, ĐHĐCĐ bất thường của IDP diễn ra ngày 3/7/2020 đã thông qua việc để cho CTCP Blue Point được mua đến 90% số cổ phần có quyền biểu quyết của công ty mà không cần chào mua công khai.

Kết quả kinh doanh năm 2020, doanh thu thuần quý 4/2020 của công ty đạt 1.008 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ (536 tỷ đồng); lợi nhuận sau thuế đạt 195 tỷ đồng – cùng kỳ lãi 19,6 tỷ.

Luỹ kế năm 2020, doanh thu của IDP đạt 3.836 tỷ đồng, tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ (1.861 tỷ đồng) và lợi nhuận sau thuế đạt gần 505 tỷ đồng, gấp 4,5 lần so với cùng kỳ (113 tỷ đồng).

Tính đến ngày 31/12/2020, tổng tài sản tăng gần 1.000 tỷ lên 2.155 tỷ đồng; tiền và các khoản tương đương tiền tăng từ 11,5 tỷ lên hơn 16 tỷ; đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn tăng từ 337 tỷ lên hơn 880 tỷ đồng; các khoản phải thu dài hạn tăng mạnh từ 683 triệu lên hơn 31 tỷ – trong đó: có 30 tỷ là phải thu về cho vay dài hạn. 

Sacombank là ngân hàng tốt nhất Việt Nam năm 2020

Sacombank được đánh giá cao thông qua các tiêu chí về chiến lược trong năm 2020 nhằm thu hút đầu tư, khách hàng và phát triển dịch vụ, chất lượng dịch vụ…

Giá trị thương hiệu Sacombank tăng mạnh 30 bậc so với năm 2020 dựa trên những cải cách nội bộ giúp tăng cường sức mạnh tài chính, tạo đòn bẩy thúc đẩy doanh thu và uy tín, niềm tin vào thương hiệu.

Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) vừa vinh dự đạt giải thưởng “Ngân hàng tốt nhất Việt Nam năm 2020” do tạp chí The Asset bình chọn, trao giải tại Hồng Kông. Đây là lần thứ 4 Sacombank vinh dự nhận được giải thưởng cao quý này.

Sacombank là ngân hàng tốt nhất Việt Nam năm 2020 - Ảnh 1.

Giải thưởng của The Asset là giải thưởng thường niên nhằm tôn vinh các doanh nghiệp, tổ chức xuất sắc trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, nguồn vốn và thị trường vốn, có đóng góp thiết thực cho sự phát triển của ngành tài chính tại khu vực Châu Á.

Sacombank được đánh giá cao thông qua các tiêu chí về chiến lược trong năm 2020 nhằm thu hút đầu tư, khách hàng và phát triển dịch vụ, chất lượng dịch vụ được cung cấp trên thị trường cùng những giao dịch mang tính lợi ích xã hội cao và đem lại động lực cho sự phát triển ngành nói chung. Trải qua gần 30 năm hình thành và phát triển, Sacombank đã có quy mô vốn điều lệ khá lớn và mạng lưới rộng khắp, thuộc top 5 ngân hàng lớn nhất Việt Nam, không chỉ ấn tượng với các doanh nghiệp Việt Nam, Sacombank còn ghi điểm với bạn bè quốc tế.

Bên cạnh đó, Sacombank hoạt động rất tích cực và hiệu quả ở tất cả lĩnh vực. Ngân hàng đã có sự tăng trưởng ổn định về thị phần, khai thác hiệu quả lợi thế mạng lưới, gia tăng trải nghiệm cho khách hàng, phát huy được sức mạnh của đội ngũ nhân sự, quyết liệt trong công tác xử lý nợ. Thực hiện chuyển đổi số từ 5 năm trước, rất nhiều hệ thống được Sacombank tiên phong triển khai và hiện nay, Sacombank tiếp tục chú trọng đầu tư mạnh mẽ cho nền tảng công nghệ hiện đại, cụ thể đã khởi động 5 dự án liên quan đến công nghệ thông tin với tổng vốn đầu tư hàng trăm tỷ đồng.

Trước đó, Sacombank cũng vinh dự nhận giải thưởng “Ngân hàng cung cấp dịch vụ ngoại hối tốt nhất năm 2020” do tạp chí Global Banking & Finance Review (Anh) bình chọn dựa trên việc cung cấp đa dạng các dịch vụ ngoại hối dành cho khách hàng cá nhân và doanh nghiệp.

Vào đầu năm 2021, Sacombank cũng đã lọt vào bảng xếp hạng Top 500 thương hiệu Ngân hàng lớn nhất toàn cầu (Brand Finance Banking 500) do công ty tư vấn định giá thương hiệu hàng đầu thế giới Brand Finance (Anh) công bố. Đặc biệt, giá trị thương hiệu Sacombank tăng mạnh 30 bậc so với năm 2020 dựa trên những cải cách nội bộ giúp tăng cường sức mạnh tài chính, tạo đòn bẩy thúc đẩy doanh thu và uy tín, niềm tin vào thương hiệu. Sacombank nói riêng và ngành ngân hàng Việt Nam nói chung trở thành tiêu điểm khi có mức tăng trưởng giá trị thương hiệu cao nhất so với bất kỳ quốc gia nào trong bảng xếp hạng.

Dự thảo Thông tư Quản lý thuế: Tạo thuận lợi chứ không gây khó hơn

Một số quy định về quản lý thuế có nhiều nội dung khó hiểu, nên rất cần thiết ban hành Thông tư hướng dẫn…

Đăng ký thuế ở đâu thì nộp thuế ở đó

Bộ Tài chính đang xây dựng Dự thảo Thông tư hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế và Nghị định 126/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế và lấy ý kiến của các đối tượng chịu tác động.

BẤT CẬP VỀ LOẠI TIỀN VÀ ĐỊA ĐIỂM NỘP THUẾ 

Dự thảo Thông tư đã bổ sung nhiều quy định như:nộp thuế bằng ngoại tệ; cách phân loại và phương pháp tính thuế với cá nhân, hộ kinh doanh; thu thập thông tin người nộp thuế; quản lý thuế với hoạt động kinh doanh dựa trên nền tảng số; sửa đổi quy định về tính thuế, hồ sơ, trình tự, thủ tục hoàn thuế và các mẫu biểu kèm theo… 

Mặc dù vậy, theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, vẫn còn nhiều quy định được cho rằng cần thay đổi, bổ sung để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hơn nữa. 

Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội tư vấn thuế Việt Nam, cho hay: Nghị định 26 quy định tạm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp theo quý. Cụ thể, 3 quý không thấp hơn 75% tổng số thuế phải nộp của năm, quý IV sẽ là 25%. Nếu doanh nghiệp không nộp đủ 3 quý thì bị phạt. Điều này khiến bà rất trăn trở, vì doanh nghiệp không thể chia ra để 4 quý sản xuất kinh doanh giống nhau. Có doanh nghiệp đầu năm có doanh thu cao, nên phát sinh số thuế phải nộp cao, nhưng cũng có doanh nghiệp doanh thu quý cuối năm cao và dồn số thuế phải nộp vào cuối năm. Tuy nhiên, trong dự thảo Thông tư cũng chưa đề cập đến điều này.

Vấn đề nữa khó nữa, theo bà Cúc, là khó cho cả nhà soạn thảo, cơ quan thuế và cả doanh nghiệp. Khái niệm địa điểm phụ thuộc và đơn vị sản xuất trực tiếp chưa rõ. Quy định nêu rõ, khai thuế, tính thuế, phân bổ nghĩa vụ thuế cũng khiến doanh nghiệp loay hoay. Bà Cúc ví dụ, nếu doanh nghiệp kê khai nộp thuế ở Hà Nội nhưng cửa hàng ăn uống đặt tại Phú Quốc thì nộp thuế ở Phú Quốc thì thực sự là khó. Theo bà Cúc, kê khai thuế ở đâu nên nộp ở đó.

Bà Hà Thị Tường Vy, Chi hội kế toán hành nghề Việt Nam (VICA) cũng đồng tình, dự thảo nhiều nội dung, dài quá, nhiều vấn đề không logic với nhau. Bà Vy đề xuất nên tách ra 2 thông tư: Thông tư kê khai thuế và một Thông tư là những vấn đề khác… thì tốt hơn cho cả cán bộ thuế và người nộp thuế.

Điểm đáng lưu ý trong thông tư này, theo đại diện VICA, là địa điểm kinh doanh. Ở Việt Nam, một doanh nghiệp độc lập cũng là một địa điểm kinh doanh, một doanh nghiệp trong một tập đoàn lớn cũng là địa điểm kinh doanh, các đơn vị trực thuộc, đơn vị phụ thuộc lại gồm nhiều loại hình như có tổ chức kế toán hay không tổ chức kế toán, văn phòng, chi nhánh… Chỗ nào kê khai ở trụ sở chính, chỗ nào kê khai ở địa điểm kinh doanh. Đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh, doanh nghiệp có thể mang về nhà tận dụng làm địa điểm kinh doanh…, thì  liệu luật có chấp nhận hay không cũng cần làm rõ.

Một vấn đề khác, bà Phạm Thu Trang, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần tư vấn EY Việt Nam cho rằng, về đồng tiền khai thuế, nộp thuế bằng ngoại tệ và tỷ giá quy đổi, dự thảo Thông tư mới đưa ra hướng dẫn áp dụng tỷ giá quy đổi cho 1 trường hợp nhất định (nộp thuế bằng ngoại tệ tự do chuyển đổi), mà chưa có hướng dẫn cụ thể về tỷ giá tính thuế trong các trường hợp khác như quy định tại Thông tư 26 trước đây.

Ngoài ra, thậm chí quy định nêu trên cũng chưa rõ ràng đối với tỷ giá để kê khai thuế nhà thầu. Đây là vấn đề vẫn đang gây tranh cãi và hiện cũng đang có nhiều công văn hướng dẫn khác nhau, dẫn đến nhiều doanh nghiệp khó khăn khi muốn xác định tỷ giá cần áp dụng cho trường hợp của mình.

Đối với thuế nhà thầu nước ngoài, đây là nghĩa vụ của nhà thầu nước ngoài, bên Việt Nam chỉ là người khấu trừ và nộp thay. Theo đó, cơ sở tính thuế vẫn là doanh thu của nhà thầu theo từng lần thanh toán nên cần áp dụng đúng nguyên tắc tỷ giá mua của ngân hàng thương mại. 

Trường hợp nhà thầu không mở tài khoản ngân hàng tại Việt Nam thì vận dụng tài khoản của bên Việt Nam – là đơn vị kê khai và nộp thuế thay cho nhà thầu nước ngoài. Quy định như vậy sẽ đảm bảo tính thống nhất, bình đẳng, không phân biệt hình thức đăng ký thuế, kê khai thuế của nhà thầu nước ngoài.

Đại diện Tập đoàn dầu khí Việt Nam cũng cho rằng, trước đây thu tiền gì nộp tiền đấy nhưng giờ thông tư quy định phải đổi ra USD, điều này khiến doanh nghiệp phải mất thêm chi phí thời gian, tài chính. Chưa kể, tỷ giá ảnh hưởng bởi thời điểm nộp thuế. Nếu theo quy định cũ thì áp dụng tỷ giá nộp thuế ghi trên hoá đơn điều này phù hợp từ VAT đến các thuế khác, vì hợp đồng mua bán  dầu khí rất phức tạp. Hơn nữa, không thống nhất về tỷ giá vì mỗi nhà thầu nộp một thời điểm khác nhau.

THÔNG TƯ HƯỚNG TỚI DỄ HIỂU, DỄ THỰC HIỆN 

Trước các ý kiến trên, ông Lưu Đức Huy, Vụ trưởng Vụ Chính sách, Tổng cục Thuế cho rằng, đây là dự thảo Thông tư nhiều nội dung. Chủ trương của Chính phủ là không ban hành nhiều văn bản. Tổ soạn thảo mong muốn Thông tư ngắn gọn, rõ ràng, dễ hiểu, dễ thực hiện đối với cả phía người nộp thuế và cơ quan quản lý thuế.

Liên quan tới một số nội dung góp ý, ông Huy cho rằng, có một số khái niệm cần bổ sung để hướng dẫn rõ thêm nhằm thực hiện đúng. Như khái niệm về địa điểm kinh doanh, cơ sở sản xuất…, thì  Ban soạn thảo xin tiếp thu góp ý và sẽ nghiên cứu để hoàn thiện phù hợp.

Bà Lê Thị Duyên Hải, Vụ trưởng Vụ Kê khai và Kế toán thuế, Tổng cục Thuế ghi nhận các ý kiến từ nhiều phía, ban soạn thảo sẽ phân tích kỹ để khi Thông tư ban hành không còn những vướng mắc.

Liên quan tới quy định tại Nghị định 126, 138 mà các ý kiến đưa ra tại hội thảo là muốn đưa vào Thông tư (dự thảo), theo bà Hải, ban soạn thảo dự thảo Thông tư chỉ được phép hướng dẫn những điều luật giao cho Bộ Tài chính. Còn nếu Bộ Tài chính muốn đưa thêm bất kỳ nội dung nào vào để giải thích rõ hơn Nghị định hay các quy định của Luật thì đều bất khả thi.

Một số quy định gây vướng mắc nhất và rất đặc thù mà Tổng cục Thuế có thể lắng nghe ý kiến và làm việc trực tiếp với người nộp thuế như đồng tiền khai thuế, nộp thuế bằng ngoại tệ, cụ thể là tiền đô la với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khai thác, thăm dò dầu khí. 

“Chúng tôi sẽ có Vụ quản lý trực tiếp các doanh nghiệp lớn nhằm tháo gỡ vướng mắc, xem xét sự cần thiết của những quy định mới này, có ảnh hưởng gì đến quyền lợi của các nhà thầu trong lĩnh vực này, ở mức nào khi quy định thay đổi”, bà Hải nêu rõ.

“Quy định của Thông tư nhằm tạo sự thuận lợi cho người nộp thuế nhưng có thể cách viết trong Thông tư chưa rõ gây ra sự hiểu khác nhau, do vậy cần thiết phải hoàn thiện, ban soạn thảo sẽ tiếp thu. Chúng tôi  sẽ soạn bổ sung trên tinh thần tạo thuận lợi cho doanh nghiệp chứ không gây khó hơn các quy định hiện nay”, bà Hải nhấn mạnh.

Liên quan tới nhóm phân bổ, quy định có thể dẫn tới đánh đồng giữa người đang thực hiện rất tốt khi kê khai riêng so với khai tập trung… Ban soạn thảo sẽ tiếp thu. Cơ quan chức năng sẽ đưa ra quy định xác định thuế một cách đơn giản nhất, phân bổ theo tỷ lệ ổn định, rõ ràng để doanh nghiệp dễ thực hiện, cơ quan thuế khi thanh tra kiểm tra cũng không gây ra sự sai lệch, đảm bảo quyền lợi của doanh nghiệp.

Đối với những trường hợp liên quan tới xử lý nộp thừa bao gồm cả bù trừ và hoàn thừa, bà Hải cho biết, sẽ làm rõ hơn quy định thời điểm nào được coi là thừa, thời điểm nào người nộp thuế gửi văn bản bù trừ và hoàn số nộp thừa. Và làm rõ theo đúng nguyên tắc, thời điểm nào nghĩa vụ thuế được xác định một cách chính thức thì thời điểm đó sẽ được so sánh với số thuế đã nộp để xác định số nộp thừa.

Giải đáp thắc mắc của Tập đoàn dầu khí, bà Hải cho biết, với các doanh nghiệp khai khoáng, khai khí không có quyết toán thì thời điểm nộp hồ sơ khai thuế tháng, quý với số tiền đã nộp chính là thời điểm xác định còn nợ hay nộp thừa. Nếu còn nợ thì cơ quan thuế đôn đốc nợ, còn nếu thừa thì cơ quan thuế xử lý bù trừ và hoàn thừa. Điều này sẽ công bằng. Còn với khoản thuế quyết toán như thuế thu nhập doanh nghiệp, thời điểm xác định nộp thừa chính là thời điểm quyết toán năm. 

“Điều này sẽ rất rõ ràng, thống nhất trên hệ thống của doanh nghiệp theo dõi ở chính doanh nghiệp và cơ quan thuế được công khai minh bạch. Tới đây chúng tôi sẽ có chức năng tra soát, đối chiếu nghĩa vụ thuế với các doanh nghiệp trên cổng thông tin và được công khai minh bạch. Chúng tôi phấn đấu hoàn nộp thừa, hoàn với giá trị gia tăng và tất cả các khoản thuế nộp thừa bằng điện tử”, bà Hải cho biết thêm.

Giá vàng thế giới giảm liên tục, USD tự do vượt 24.000 đồng

Vàng miếng trong nước sáng nay (24/3) chững giá, trong khi giá USD tự do tiếp tục đi lên và đã vượt qua mốc 24.000 đồng…

Ảnh minh họa – Ảnh: Bloomberg.

Giá vàng thế giới giảm mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Ba, do đồng USD tăng lên mức cao nhất trong 2 tuần dù lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ đi xuống. Vàng miếng trong nước sáng nay (24/3) chững giá, trong khi giá USD tự do tiếp tục đi lên và đã vượt qua mốc 24.000 đồng.

Lúc đóng cửa phiên giao dịch đêm qua tại thị trường New York, giá vàng giao ngay giảm 11,9 USD/oz, tương đương giảm gần 0,7%, còn 1.728,4 USD/oz.

“Thủ phạm” chính đẩy vàng giảm giá phiên này là đồng USD đạt mức cao nhất kể từ ngày 9/3. Chỉ số Dollar Index đo sức mạnh đồng bạc xanh so với một rổ gồm 6 đồng tiền chủ chốt khác sáng nay dao động quanh ngưỡng 92,4 điểm, so với mức 91,9 điểm vào sáng qua.

Sau khi đạt mức cao nhất 14 tháng trên 1,75% trong tuần trước, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm tiếp tục đi xuống, hiện còn hơn 1,6%. Lợi suất giảm là diễn biến có lợi cho một tài sản không mang lãi suất như vàng.

Dù vậy, sức ép từ đồng USD tăng giá vẫn khiến vàng có một phiên đi xuống. Gần đây, xu hướng chính của lợi suất là đi lên, và đây là một nguyên nhân quan trọng khiến giá vàng sụt giảm, có thời điểm xuống dưới mốc 1.700 USD/oz cách đây ít lâu.

Phiên này, giá vàng dường như không có nhiều phản ứng với phiên điều trần trước Ủy ban Dịch vụ tài chính thuộc Hạ viện Mỹ của Bộ trưởng Bộ Tài chính Janet Yellen và Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (Fed) Jerome Powell.

Trong phiên điều trần, ông Powell nói rằng việc giá cả tăng lên khi đại dịch lắng xuống sẽ không dẫn tốc độ lạm phát cao và kéo dài tới mức nguy hiểm.

Nhận định với trang MarketWatch, Giám đốc đầu tư Jeff Wright của Wolfpack Capital nói rằng Fed “có vẻ thoải mái với xu hướng tăng gần đây của lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm… Điều này sẽ cản trở khả năng tăng giá của vàng”.

Tuy nhiên, cũng theo ông Wright, xét đến nỗ lực kích cầu của chính quyền Tổng thống Joe Biden, giá vàng còn nhiều cơ hội tăng trong dài hạn. Hiện ông Biden đang cân nhắc chi 3 nghìn tỷ USD để đầu tư vào cơ sở hạ tầng, giáo dục và chống biến đổi khí hậu, sau khi đã có một gói kích cầu 1,9 nghìn tỷ USD được phê chuẩn gần đây. Việc Chính phủ Mỹ mạnh tay chi tiêu công có thể gây áp lực giảm lên đồng USD, làm lợi cho giá vàng.

Trước mắt, ông Wright cho rằng giá vàng sẽ tiếp tục giằng co trong khoảng 1.600-1.800 USD/oz, nhưng sẽ “nghiêng về xu hướng giảm trong ngắn hạn”.

Lúc hơn 10h sáng nay, giá vàng giao ngay tại thị trường châu Á theo dữ liệu từ Kitco là 1.725,8 USD/oz, giảm 2,6 USD/oz so với chốt đêm qua tại New York. Mức giá này tương đương khoảng 48,2 triệu đồng/lượng nếu được quy đổi theo giá USD bán ra tại Ngân hàng Vietcombank và chưa tính các chi phí liên quan.

Cùng thời điểm, giá vàng miếng SJC tại thị trường Hà Nội theo niêm yết của Tập đoàn DOJI là 55,15 triệu đồng/lượng (mua vào) và 55,55 triệu đồng/lượng (bán ra). Tại thị trường Tp.HCM, Công ty SJC báo giá vàng miếng cùng thương hiệu ở mức 55,13 triệu đồng/lượng và 55,53 triệu đồng/lượng.

So với cùng thời điểm ngày hôm qua, giá vàng miếng hiện không thay đổi tại DOJI và giảm 70.000 đồng/lượng tại SJC.

So với giá vàng thế giới quy đổi, giá vàng miếng bán lẻ đang cao hơn trên 7,3 triệu đồng/lượng.

Giá USD tự do tại Hà Nội sáng phổ biến ở mức 23.970 đồng (mua vào) và 24.020 đồng (bán ra), tăng tương ứng 30 đồng và 20 đồng so với sáng qua.

Giá USD niêm yết tại Vietcombank không thay đổi so với sáng qua, giữ ở 22.990 đồng và 23.170 đồng.