19 tỉnh, thành phố sẽ có đô thị ứng phó biến đổi khí hậu vào năm 2025

Đây là mục tiêu giai đoạn 1 của Đề án Phát triển các đô thị Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 – 2030 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt …

Lũ lụt tại tỉnh Quảng Trị tháng 10/2020 – Ảnh: Reuters

Đề án Phát triển các đô thị Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 – 2030 được thực thực hiện với hệ thống đô thị trên phạm vi toàn quốc (63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương). 

Trong đó, tập trung vào hệ thống đô thị ven biển, đồng bằng có nguy cơ ngập lụt và hệ thống các đô thị có nguy cơ cao chịu tác động của lũ quét, sạt lở đất tại các vùng miền núi phía Bắc, duyên hải ven biển miền Trung, Đông Nam Bộ và Tây Nguyên.

Đề án được lập cho giai đoạn từ nay đến 2030, tầm nhìn sau năm 2030. Cụ thể, giai đoạn 1 (từ 2021-2025) được thực hiện tại 5 đô thị (gồm Tp.HCM, Hà Nội, Cần Thơ, Hải Phòng, Đà Nẵng), các đô thị thuộc 7 tỉnh vùng duyên hải Bắc bộ, duyên hải miền Trung, đồng bằng sông Cửu Long và 7 tỉnh vùng miền núi phía Bắc và Tây Nguyên.

Giai đoạn 2 (từ 2026-2030) được thực hiện tại các đô thị ven biển, đồng bằng có nguy cơ ngập lụt, có nguy cơ cao chịu tác động của lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh thuộc vùng miền núi phía Bắc, duyên hải ven biển miền Trung, Đông Nam bộ, Tây Nguyên và các tỉnh có đô thị xuất hiện các tác động mới của biến đổi khí hậu.

Giai đoạn sau năm 2030 mở rộng phạm vi áp dụng trên toàn quốc.

19 tỉnh, thành phố sẽ có đô thị ứng phó biến đổi khí hậu vào năm 2025 - Ảnh 1.

Du khách chèo thuyền đi giữa phố cổ Hội An. – Ảnh: Reuters

Mục tiêu của đề án là chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên trong cải tạo nâng cấp và phát triển đô thị, góp phần kiểm soát và giảm mức độ ô nhiễm không khí, nước, đất.

Đề án đề xuất tập trung thực hiện 6 nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm.

Thứ nhất là điều tra, đánh giá mức độ tác động của biến đổi khí hậu đến phát triển hệ thống đô thị hiện có và đô thị dự kiến hình thành mới trong giai đoạn 2021 – 2030. Đồng thời khoanh vùng khu vực có nguy cơ chịu tác động cao của biến đổi khí hậu và tính toán khả năng, mức độ tự thích nghi, đề xuất giải pháp ứng phó. Hình thành hệ thống cơ sở dữ liệu và hệ thống bản đồ cảnh báo rủi ro biến đổi khí hậu tại đô thị (gọi tắt là Atlas Đô thị và Khí hậu).

Thứ hai là tích hợp nội dung ứng phó biến đổi khí hậu vào quy hoạch và chương trình, kế hoạch phát triển đô thị; vàcảnh báo các rủi ro tại các khu vực phát triển đô thị có khả năng chịu tác động từ biến đổi khí hậu.

Thứ ba là rà soát, bổ sung hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn, các quy định liên quan đến phân loại đô thị, quy hoạch, quản lý đầu tư phát triển đô thị, nhà ở, hạ tầng kỹ thuật trong bối cảnh gia tăng nguy cơ rủi ro từ biến đổi khí hậu.

Thứ tư là Hình thành hệ thống kiểm soát, hạn chế lũ, lụt, ngập úng trong đô thị. Hình thành hồ chứa điều tiết ngập lụt, khai thông, nạo vét, cải tạo, gia cố, nắn dòng cho các đường thoát nước đô thị. Xây dựng đê, kè, tường chắn lũ, phân dòng lũ, công trình chứa nước ngầm hiện đại quy mô lớn. Khoanh vùng bảo vệ và có giải pháp tái định cư và di dời dân trong vùng cảnh báo rủi ro. Phát triển nhà ở vượt lũ, nhà ở có khả năng chống chịu cao với gió bão.

Thứ năm là nâng cao năng lực cán bộ lãnh đạo, cán bộ chuyên môn các cấp về quản lý, phát triển đô thị ứng phó với biến đổi khí hậu. Thông tin truyền thông về ảnh hưởng của biến đổi khí hậu tới người dân, tăng cường phối hợp cộng đồng và các bên liên quan trong triển khai thực hiện.

Thứ sáu là thực hiện các chương trình hợp tác nghiên cứu khoa học – công nghệ, thực hiện các dự án thí điểm phát triển đô thị tăng trưởng xanh, thông minh, kiến trúc xanh, sinh thái ứng phó với biến đổi khí hậu. Xây dựng công trình tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải; phát triển vật liệu xây dựng thân thiện với môi trường, tái sử dụng, tái chế.

Xoá “vết đen tín dụng” giúp doanh nghiệp tiếp cận vốn ưu đãi

Đã “dính” nợ xấu, nợ quá hạn, kể cả khi doanh nghiệp đã hoàn trả gốc và lãi đầy đủ, thì vẫn có “vết” trong hệ thống thông tin ngân hàng nên rất khó tiếp cận vốn…

Ngân hàng miễn giảm hạ lãi suất vay cho các doanh nghiệp trong đại dịch covid

Không có cánh tay nào được giơ lên sau câu hỏi của ông Phạm Xuân Hoè, nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng tại buổi đối thoại tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp vượt qua Covid-19 mới đây: “Trong số các doanh nghiệp tại đây, có doanh nghiệp nào tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi có trần lãi suất 4,5%/năm với các lĩnh vực ưu tiên?”.

Một trong những nguyên nhân, theo vị chuyên gia, là do doanh nghiệp bị liệt vào “danh sách đen” do dính nợ xấu, nợ quá hạn trả lãi hoặc gốc. “Vì thế, kể cả khi doanh nghiệp đã hoàn trả gốc và lãi đầy đủ, thì vẫn có “vết” trong hệ thống thông tin ngân hàng nên rất khó tiếp cận vốn ở bất kỳ ngân hàng nào chứ đừng nói đến việc tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi”, ông Hoè nói.

QUY ĐỊNH QUÁ KHẮT KHE?

Cùng quan điểm với chuyên gia Phạm Xuân Hoè, ông Nguyễn Hữu Thập, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Tuyên Quang cho biết: nếu loại trừ những trường hợp doanh nghiệp yếu kém cần cẩn trọng trong việc xem xét cho vay thì có những doanh nghiệp chỉ một lần gặp khó tạm thời mà không bao giờ tiếp cận được nguồn vốn tín dụng ngân hàng là quá khắt khe.

Tuy nhiên, đây không phải là nguyên nhân duy nhất. Theo ông Thập, một vướng mắc nữa được doanh nghiệp nêu lên từ rất lâu nhưng đến giờ vẫn chưa có cách thức giải quyết hiệu quả. Đó chính là tài sản thế chấp.

“Không ít cán bộ ngân hàng do năng lực thẩm định dự án hạn chế, thường muốn làm theo cách thuận tiện, giữ an toàn cho mình nên không thật sự đồng hành cùng doanh nghiệp”, ông Thập cho hay.

Phía ngân hàng thường lựa chọn những doanh nghiệp có tài sản thế chấp có tính thanh khoản cao, dễ bán hơn khi có rủi ro tín dụng như nhà đất, ôtô… Trong khi đó, các doanh nghiệp Việt Nam phần lớn có quy mô vừa và nhỏ, sau khi tập trung 70-80% nguồn lực tài chính vào dây chuyền sản xuất, nhà xưởng… nguồn tài sản khác còn lại rất ít.

“Đáng tiếc, doanh nghiệp lại không thể không thể dùng nguồn tài sản này để thế chấp với ngân hàng vì ngân hàng không mặn mà và bị định giá rất thấp”, ông Thập cho biết.

Vì vậy, vị đại diện cho doanh nghiệp Tuyên Quang đề xuất, trong trường hợp không có sự thống nhất giữa doanh nghiệp và ngân hàng, cần có cơ quan thứ ba, độc lập tham gia định giá tài sản đảm bảo, tránh việc doanh nghiệp bị định giá thấp tài sản khi vay vốn.

Trong khi đó, ở góc độ nghiên cứu, ông Phạm Xuân Hoè cho biết nếu chính sách ưu đãi doanh nghiệp đã được ban hành nhưng lại có những điều kiện ràng buộc đi kèm quá chặt chẽ sẽ khiến người cần thụ hưởng khó tiếp cận.

“Ngân hàng Nhà nước có chủ trương hạ lãi suất với mục tiêu tạo điều kiện gián tiếp hỗ trợ doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn do Covid-19. Nhưng khi triển khai thực tế, tại các ngân hàng, lãi suất tiền vay luôn hạ chậm và ít hơn so với lãi suất tiền gửi. Rất ít doanh nghiệp thật sự tiếp cận được nguồn vốn vay có trần lãi suất 4,5%/năm được áp dụng với các lĩnh vực ưu tiên do một số quy định quá chặt so với thực tế”, ông Hòe cho biết.

Vì vậy, vị chuyên gia cho rằng các chính sách hỗ trợ cần bám sát thực tiễn để chính sách có thể đi vào cuộc sống, đến đúng các đối tượng cần hỗ trợ. “Chính sách hỗ trợ sẽ giảm ý nghĩa nếu quá khó để tiếp cận”, vị chuyên gia nhận định.

THÁO GỠ NÚT THẮT TÍN DỤNG 

Để tháo gỡ nút thắt này, ông Phạm Xuân Hoè, phải tìm cách “xoá” vết đen của doanh nghiệp trên hệ thống thông tin của ngân hàng. 

Đối với những doanh nghiệp đã làm đủ nghĩa vụ với ngân hàng, có tình hình tài chính lành mạnh sau khi đã để nợ quá hạn, nợ xấu tạm thời, có thể làm đơn đề nghị với ngân hàng trực tiếp quan hệ tín dụng. Cùng với đó, tình hình thực tế của doanh nghiệp sẽ được cập nhật, tổng hợp trên Trung tâm Thông tin tín dụng quốc giá (CIC) để ngân hàng có thể xem xét xóa toàn bộ thông tin về nợ xấu để có điều kiện tiếp cận vốn hơn về sau.
Chuyên gia kinh tế Phạm Xuân Hoè

Trong khi đó, khi bàn về khả năng tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp mới đây, chuyên gia tài chính – ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, doanh nghiệp nhất là doanh nghiệp ở lĩnh vực du lịch, khách sạn… rất cần vốn ưu đãi để duy trì, ổn định sản xuất, kinh doanh. Theo đó, để kéo giảm lãi vay, cần có một tổ hợp tín dụng đi kèm với bảo lãnh tín dụng. Các ngân hàng sẽ cùng tham gia vào tổ hợp này tùy vào khả năng từng ngân hàng mà đóng góp vốn. Gói vốn cho tổ hợp tín dụng nên ở mức 300.000 tỷ đồng và cho vay tín chấp với lãi suất 3 đến 5%. Tuy nhiên, cho vay tín chấp sẽ có rủi ro nên phải có thêm cơ chế quỹ bảo lãnh tín dụng.

“Đơn vị nhận gói vay này nên để kỳ hạn vay 5 năm nhằm giúp hồi phục và tăng trưởng sau thời gian dịch bệnh. Bằng cách này, lãi vay thấp sẽ lan tỏa đến cả các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, những thực thể bị ảnh hưởng mạnh bởi dịch bệnh trong khi khó có đủ tài sản có giá trị để thế chấp vay tín dụng”, ông Hiếu đề xuất.

Chia sẻ với những khó khăn mà khu vực doanh nghiệp đang gặp phải, bà Hà Thu Giang, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) cho biết các ngân hàng xác định, doanh nghiệp có tồn tại, sống khỏe thì ngân hàng mới phát triển và ngược lại. Dù vậy, trong quá trình triển khai các ngân hàng cũng đối mặt với nhiều thách thức vì sự sụt giảm “sức khoẻ” của nhiều doanh nghiệp.

Cụ thể, theo ông Hà Thanh Hải, Giám đốc Vietcombank Tuyên Quang, trong quá trình xem xét, đánh giá cấp tín dụng cho doanh nghiệp, ngân hàng luôn đánh giá hiệu quả dự án, tài sản đảm bảo chỉ là biện pháp cuối cùng, vì thực tế, mục đích của ngân hàng kinh doanh là tiền tệ, không bao giờ muốn để đến mức phải xử lý hay bán tài sản bảo đảm. Tuy nhiên, ý kiến của ông Hải là cần sớm sửa đổi một số cơ chế liên quan để hỗ trợ tốt hơn nữa các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Bà Hà Thu Giang cũng thông tin thêm: hiện Ngân hàng Nhà nước đang khẩn trương sửa đổi chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ tại Thông tư 01/2020/TT-NHNN theo hướng điều chỉnh một số mốc thời gian để tổ chức tín dụng được cơ cấu lại thời gian trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng, đảm bảo phù hợp với tình hình diễn biến dịch bệnh Covid-19 tại Việt Nam thời gian qua và sửa đổi, bổ sung một số quy định để phù hợp với thực tế triển khai của tổ chức tín dụng.

Từ đầu năm 2020, ngay sau khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã liên tiếp điều chỉnh giảm 3 lần các mức lãi suất, tổng mức giảm 1,5-2,%/năm đối với lãi suất điều hành. Các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho 265 nghìn khách hàng với dư nợ 366 nghìn tỷ đồng.

Ngân hàng cũng thực hiện miễn, giảm, hạ lãi suất vay vốn cho 625 nghìn khách hàng với dư nợ hơn 1,06 triệu tỷ đồng. Cho vay mới với lãi suất thấp hơn so với trước dịch đối với 426 nghìn khách hàng, doanh số lũy kế từ 23/01/2020 đến nay đạt hơn 2,65 triệu tỷ đồng.

Trong lĩnh vực thanh toán, ngân hàng đã thực hiện chính sách miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán như: ban hành Thông tư điều chỉnh giảm 50% mức phí giao dịch thanh toán qua Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cũng chỉ đạo Công ty cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS) và các Tổ chức tín dụng thực hiện giảm, miễn phí giao dịch thanh toán cho khách hàng…

“Đầu tư chứng khoán, cần bớt để ý đến Vn-Index”

Nhiều nhà đầu tư tỏ ra do dự khi VN-Index mãi vẫn chưa thể chinh phục được mốc 1.200 và chỉ số chứng khoán này không bứt phá được nhiều sau 14 năm…

Ông Lê Chí Phúc (trái) và ông Nguyễn Quang Thuân (phải) phát biểu tại hội thảo.

Chứng khoán trong giai đoạn hiện nay có còn là kênh đầu tư hấp dẫn? Câu trả lời cho vấn đề này được nhiều chuyên gia chia sẻ tại Hội thảo “Chiến lược đầu tư khi kinh tế phục hồi” diễn ra ngày 27/3 do Cộng đồng Cố vấn Tài chính Việt Nam (Vietnam Wealth Advisors – VWA) tổ chức. Đây là sự kiện đồng hành cùng Lễ ra mắt chính thức Cộng đồng Cố vấn Tài chính Việt Nam. 

KINH TẾ PHỤC HỒI NÊN ĐẦU TƯ CỔ PHIẾU HAY TRÁI PHIẾU? 

Chia sẻ quan điểm tại hội thảo, ông Nguyễn Quang Thuân – Chủ tịch Hội đồng quản trị FiinGroup cho rằng: “Thị trường cổ phiếu hiện tại đang biến động lớn và trong giai đoạn nhạy cảm. Dù vậy kênh đầu tư này vẫn phù hợp với “investing” thay vì “day-traders” và lại có vị thế vay margin”. 

Chủ tịch FiinGroup khẳng định, kinh tế Việt Nam và các doanh nghiệp đại chúng đều đã phục hồi theo hình chữ V, ngân hàng vẫn duy trì tăng trưởng cao. Với triển vọng rất sáng của doanh nghiệp niêm yết đặc biệt là doanh nghiệp VN30 thì tỷ suất sinh lời vẫn sẽ còn gia tăng. Trong bối cảnh bị khối ngoại bán mạnh thì cổ phiếu vẫn có thể là kênh đầu tư hấp dẫn nếu theo trường phái đầu tư giá trị/dài hạn.

“Đầu tư chứng khoán, cần bớt để ý đến Vn-Index” - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Quang Thuân – Chủ tịch Hội đồng quản trị FiinGroup

Trong khi đó ở kênh đầu tư trái phiếu, dư nợ trái phiếu doanh nghiệp năm 2020 đã đạt quy mô 950,3 nghìn tỷ (trong tổng số hơn 1,2 triệu tỷ đồng đã phát hành 5 năm qua), tương đương 15,1% GDP và 10,3% tổng dư nợ tín dụng toàn hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên, có đến 75% danh mục là do ngân hàng nắm giữ trong khi phát hành đại chúng còn rất nhỏ, vậy nên quy mô thị trường trái phiếu có vẻ lớn nhưng lại chưa thực sự lớn. 

Trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam đang ở giai đoạn “vàng thau lẫn lộn”. Nhiều doanh nghiệp tốt nhưng chào lãi suất thấp ngang với những doanh nghiệp yếu kém hơn, trong khi thị trường lại đang chi tiền vào những doanh nghiệp có rủi ro cao.

“Trái phiếu có lợi tức cố định nhưng song song với đó cũng có khá nhiều yếu tố bất định, nhất là kỳ hạn trái phiếu với năng lực trả nợ của doanh nghiệp phát hành. Nhiều doanh nghiệp có kỳ hạn trái phiếu huy động với khả năng trả gốc và lãi “vênh” nhau rất lớn, rủi ro nằm ở việc doanh nghiệp có phát triển đủ để trả lãi cho nhà đầu tư hay không”, ông Thuân lưu ý.

Thực tế, nhà đầu tư cá nhân vẫn còn nhiều cơ hội với trái phiếu nhất là khi phải lựa chọn giữa bất động sản, cổ phiếu, trái phiếu và kênh gửi tiết kiệm, nhất là với đội ngũ môi giới/tư vấn tài chính. Tuy nhiên, rủi ro là hiện hữu và cơ hội để tìm kiếm các trái phiếu có rủi ro vỡ nợ thấp với mức lãi suất cao hợp lý để phục vụ thị trường. 

KHÔNG NÊN DÀNH QUÁ NHIỀU THỜI GIAN DỰ ĐOÁN VN-INDEX

Ở kênh cổ phiếu, nhiều nhà đầu tư tỏ ra do dự khi VN-Index mãi vẫn chưa thể chinh phục được mốc 1.200 và chỉ số này không bứt phá được nhiều sau 14 năm. Ông Lê Chí Phúc – Tổng giám đốc SGI Capital cho rằng chỉ số Vn-Index trong 14 năm qua dù không thay đổi nhiều nhưng P/E đã thay đổi rất lớn, từ 40 lần năm 2007 đã xuống còn 17-18 lần hiện tại. Điều này cho thấy lợi nhuận doanh nghiệp đã tăng trưởng khoảng 2,5 lần so với 14 năm trước, năm nay cũng là năm lợi nhuận doanh nghiệp sẽ tăng trưởng mạnh.  

Theo thống kê của quỹ SGI, Việt Nam đang ở giai đoạn cuối của nước đang phát triển, theo đà phát triển này, lãi suất sẽ tiếp tục đi xuống theo đường dài, và có khi xuống chỉ còn 1-2%, lãi suất tiền gửi của một số nước Bắc Âu thậm chí còn bằng 0. Việt Nam những năm tới sẽ vẫn tiếp tục có đầy đủ các yếu tố hỗ trợ tăng trưởng, nhờ đó mức lợi nhuận của các doanh nghiệp sẽ còn tiếp tục giữ được đà tăng như 14-15 năm qua. 

“Đầu tư chứng khoán, cần bớt để ý đến Vn-Index” - Ảnh 2.

Ông Lê Chí Phúc – Tổng giám đốc SGI Capital

Index nói chung và thị trường nói chung sẽ lên mức cực kỳ đắt khi nền kinh tế tăng trưởng cực kỳ nhanh và dòng tiền ngoại đổ vào chứng khoán ồ ạt. Bây giờ kinh tế Việt Nam đang tăng trưởng đều đều, chưa có thông tin gì quá đột biến để thu hút lượng tiền lớn từ nước ngoài vào, nhưng trong tương lai khoảng 3-5 năm nữa Việt Nam sẽ gia nhập các thị trường EM, lớn hơn rất nhiều hiện tại, mở rộng cơ hội thu hút các quỹ rất lớn vào đầu tư. 

Cũng nói về chỉ số Vn-Ịndex, ông Phúc cho rằng Index được mọi người nói đến quá nhiều và dành quá nhiều tâm sức để dự báo diễn biến tăng giảm trong thời gian tới. Tuy nhiên điều này là không hiệu quả. Trung bình 10 năm qua Index tăng 9%/năm, cộng thêm 2% cổ tức tiền mặt thì có thể đạt 11%/năm. Một thống kê cho thấy 80% nhà đầu tư kể cả quỹ/tổ chức không thắng được Index, nếu đi theo con đường này, lợi suất cùng lắm chỉ là 10%/năm. 

“Một thống kê của chúng tôi ở các công ty chứng khoán có nhiều nhà đầu tư cá nhân trong 3 năm Vn-Index đều tăng (2014-2016), gần 1 nửa nhà đầu tư cá nhân ở các công ty chứng khoán đấy có NAV cuối năm thấp hơn đầu năm cho thấy nhà đầu tư vẫn lỗ trong năm chỉ số chứng khoán đi lên. Đi vào cụ thể thì vòng quay mua bán của các nhà đầu tư rất nhiều. Chi phí giao dịch, phí margin, trung bình phí ở những tài khoản giao dịch nhiều lên đến trên 20%/năm, một số tài khoản có thể lên tới 40%/năm, còn đại đa số các nhà đầu tư cá nhân trade ít cũng không dưới 10%/năm, đây là lý do mà tài khoản âm. Do vậy, để có được mức lợi nhuận tốt trên thị trường chứng khoán, nhà đầu tư cần lựa chọn những cổ phiếu tốt để đi cùng doanh nghiệp và bớt để ý đến Index hơn”. 

Cộng đồng Cố vấn Tài chính Việt Nam (Vietnam Wealth Advisors – VWA) là tổ chức nghề nghiệp phi lợi nhuận được thành lập dưới hình thức doanh nghiệp xã hội. VWA ra đời với vai trò phát triển và thúc đẩy cộng đồng có thể đem lại những cố vấn tài chính độc lập cho công chúng Việt Nam. VWA hướng tới thúc đẩy sự phát triển của dân trí tài chính cho công chúng.

Ban đầu, VWA hoạt động dưới hình thức một nhóm trên mạng xã hội bao gồm khoảng 50.000 thành viên cho đến thời điểm thành lập khi một nhóm các cố vấn tài chính có uy tín, các giám đốc quản lý quỹ, giám đốc công ty chứng khoán, công ty bảo hiểm quyết định thiết lập một tổ chức chính thức hoạt động phi lợi nhuận được pháp luật cho phép.

Năm 2020 lợi nhuận Kosy tăng và những áp lực lớn năm 2021

Báo cáo tài chính vừa được kiểm toán của Công ty Cổ phần Kosy cho thấy tình hình kinh doanh khởi sắc của doanh nghiệp bất chấp tác động của Covid 19 lên nền kinh tế…

Dự án Kosy City Beat Thai Nguyen do Công ty Cổ phần Kosy làm chủ đầu tư nhận được sự quan tâm của giới đầu tư địa ốc đầu năm 2021.

Báo cáo tài chính vừa được kiểm toán của Công ty Cổ phần Kosy cho thấy tình hình kinh doanh khởi sắc của doanh nghiệp bất chấp tác động của Covid 19 lên nền kinh tế.

Cụ thể, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ năm 2020 của Kosy đạt 1.308,6 tỷ đồng, tăng 23% so với năm 2019 (1.062 tỷ đồng). Trong cơ cấu doanh thu, doanh thu bán hàng hoá và doanh thu kinh doanh bất động sản đều tăng mạnh, lần lượt tăng 26,5% và 11,4% so với năm 2019. Năm 2020, Kosy ghi nhận khoản doanh thu cho thuê 300 triệu đồng trong khi năm ngoái khoản này không có. Lợi nhuận gộp bán hàng cung cấp dịch vụ đạt 78,3 tỷ đồng.

Trong năm 2020, Kosy đã đầu tư và thực hiện chuyển nhượng thành công đối với các khoản đầu tư tài chính đạt 40 tỷ đồng, tăng 112 lần so với năm 2019, lãi tiền gửi tiền cho vay cũng tăng gấp đôi, nhờ đó doanh thu hoạt động tài chính đạt 43,4 tỷ đồng, tăng mạnh so với con số của năm 2019. Sau khi trừ đi các khoản chi phí phát sinh, lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp đạt 22 tỷ đồng, tăng gần 10% so với năm 2019.

Tổng tài sản của Kosy tính đến cuối năm 2020 là 2.198 tỷ đồng, tăng 15%, vốn chủ sở hữu 1.158 tỷ đồng. Tiền và các khoản tương đương tiền 19,8 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là tiền gửi tại các ngân hàng không kỳ hạn. Lưu chuyển tiền thuần trong kỳ 14 tỷ đồng.

Dự án Kosy City Beat Thai Nguyen do Công ty Cổ phần Kosy làm chủ đầu tư nhận được sự quan tâm của giới đầu tư địa ốc đầu năm 2021.

Tháng 12/2020, Kosy Group quyết định tăng vốn điều lệ của Công ty Cổ phần Kosy – một thành viên của Tập đoàn Kosy, đã niêm yết trên sàn chứng khoán HOSE (mã KOS) lên hơn 1.600 tỷ đồng và có giá trị vốn hóa thị trường hơn 4.000 tỷ đồng. Đây là một bước đi đánh dấu sự tăng trưởng của Kosy Group, gia tăng tín nhiệm với các đối tác tài chính ngân hàng, khách hàng và nhà đầu tư.

Công ty Cổ phần Kosy – một thành viên của Tập đoàn Kosy, hoạt động chính trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản với nhiều dự án trải dài khắp miền Bắc như Khu đô thị Kosy Sông Công, Khu đô thị Kosy Bắc Giang, Khu đô thị Kosy Gia Sàng, Khu đô thị Kosy Cầu Gồ, Khu đô thị Kosy City Beat Thai Nguyen…

Các dự án bất động sản của công ty Kosy đang triển khai ngày càng quy mô hơn, tiến độ thi công nhanh hơn và đạt hiệu quả cao hơn. Hiện nay, Kosy có quỹ dự án tiềm năng, nhiều dự án đã hoàn thiện pháp lý và hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, sẽ triển khai trong thời gian tới. Trong năm 2021, Công ty Cổ phần Kosy sẽ triển khai 4 dự án bất động sản tại các tỉnh thành. Điều này cũng là áp lực lớn với doanh nghiệp trong bối cảnh kinh tế trầm lắng và thu xếp tài chính để triển khai thành công các dự án.

Tập đoàn Kosy được thành lập năm 2008, hoạt động trong lĩnh vực bất động sản và năng lượng tái tạo với hơn 20 đơn vị thành viên. Bên cạnh các dự án bất động sản do Công ty Cổ phần Kosy làm chủ đầu tư thì các công ty khác của Kosy Group cũng đang triển khai nhiều dự án năng lượng tái tạo như: Dự án Thủy điện Nậm Pạc – 34 MW, dự án Điện gió Kosy Bạc Liêu – giai đoạn 1 – 40 MW và nhiều dự án điện gió, điện mặt trời, thủy điện khác…

Vì sao Ngân hàng Nhà nước thận trọng với chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng?

Nhìn chung, mặt bằng “room” tín dụng được Ngân hàng Nhà nước cấp cho các tổ chức tín dụng thấp hơn so với năm trước…

Mặc dù tình hình kinh tế vĩ mô vẫn đang trên đà phục hồi và những tín hiệu khởi sắc đã xuất hiện nhiều hơn nhưng Ngân hàng Nhà nước vẫn tỏ ra rất thận trọng với chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng.

Ngay từ đầu năm, Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra ba kịch bản cho tăng trưởng tín dụng năm 2021 ứng với tình hình diễn biến Covid-19. Kịch bản 1, tăng trưởng tín dụng 12-13%, tối đa có thể lên 14% nếu dịch Covid-19 dừng trong quý 1 và tiêm chủng vacxin đại trà. Kịch bản 2, mức tăng trưởng tín dụng là 10-12% trong trường hợp Covid-19 kéo dài đến tháng 6/2021 và Việt Nam vẫn tiếp tục phải thực hiện giãn cách xã hội, phải chờ tiêm vaccine. Và kịch bản 3 là Covid-19 kéo dài đến hết năm, tín dụng tăng 7-8%.

Tại báo cáo nhận định về hạn mức tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng Việt Nam, Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng, dựa trên bối cảnh vĩ mô hiện tại với tình hình dịch bệnh đang được kiểm soát và việc tiêm chủng đang được triển khai, triển vọng tăng trưởng tín dụng vẫn nghiêng về kịch bản tích cực nhất là tăng 12,0-14,0% vào năm 2021.

Tuy nhiên, hạn mức tăng trưởng tín dụng của một số ngân hàng đang thấp hơn nhiều so với năm ngoái. Như vậy, nhiều khả năng nhà điều hành định cân bằng giữa mong muốn đạt được tăng trưởng tín dụng cao và nguy cơ suy giảm chất lượng tài sản, đặc biệt khi những bất ổn kinh tế vẫn còn rõ rệt do rủi ro liên quan đến Covid-19 (tức là nợ xấu cao hơn và kỳ vọng lạm phát gia tăng).

Do Ngân hàng Nhà nước đưa ra hạn mức tăng trưởng tín dụng hàng năm tùy thuộc vào tình hình hoạt động kinh doanh của các ngân hàng và tỷ lệ nợ xấu nên những năm gần đây, Ngân hàng Nhà nước luôn đưa ra hạn mức tăng trưởng tín dụng ban đầu ở mức thấp. Sau đó, sẽ mở rộng hạn mức tín dụng dựa trên tình trạng tài chính của ngân hàng và kết quả xử lý nợ xấu (thường là trong nửa cuối năm). 

Ngân hàng Nhà nước thận trọng với chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng - Ảnh 1.

Hạn mức tăng trưởng tín dụng của một số ngân hàng năm 2020 và năm 2021

“Theo cách hiểu của chúng tôi, Ngân hàng Nhà nước đang chọn phương pháp tiếp cận “củ cà rốt và cây gậy” nhằm quản lý rủi ro tín dụng. Theo đó, các ngân hàng sẽ có động lực để cải thiện hoạt động và thận trọng hơn trong các hoạt động cho vay đầu cơ và rủi ro. Như vậy, các ngân hàng khỏe mạnh hơn sẽ có thể thêm hạn mức tín dụng cao hơn trong nửa cuối năm”, nhóm phân tích của VDSC nhận định. 

Do hạn mức tăng trưởng tín dụng không phải là thông lệ quốc tế trong điều hành chính sách tiền tệ, VDSC cho rằng nên thận trọng khi xem hạn mức tăng trưởng tín dụng thấp hơn là một dấu hiệu của việc thắt chặt chính sách tiền tệ. Với chính sách tiền tệ đa tiền tệ, những bất ổn liên quan đến đại dịch khiến Ngân hàng Nhà nước khó có được bức tranh rõ ràng về xu hướng sắp tới của hệ thống ngân hàng. 

Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu cũng cho rằng, việc phân bổ hạn mức tín dụng thấp ban đầu với khả năng điều chỉnh sau này có thể là một công cụ phù hợp trong nỗ lực duy trì ổn định vĩ mô.

Báo cáo của VDSC còn cung cấp thông tin về hạn mức tăng trưởng tín dụng của một số ngân hàng lớn. Trong đó, Techcombank và MB là 2 ngân hàng được giao hạn mức tăng trưởng tín dụng cao nhất trong năm 2020. 

Năm 2021, bên cạnh Techcombank và MB còn có Vietcombank là những ngân hàng được cấp hạn mức tín dụng cao nhất: TCB (12,5%0, MB và VCB (10,5%). Theo sau là ACB (9,5%) và VIB (8,5%), BIDV (7,5%), VietinBank (7,5%), Agribank (6,5%), Eximbank (6,5%),…

Nhìn chung, mặt bằng “room” tín dụng được Ngân hàng Nhà nước cấp cho các tổ chức tín dụng thấp hơn so với năm trước.

Doanh nghiệp bất động sản vay nợ gần 6,4 ngàn tỷ qua trái phiếu 2 tháng đầu năm

Lũy kế 2 tháng đầu năm 2021, tổng giá trị trái phiếu phát hành đạt 15.562 tỷ đồng, giảm 19,6% so với cùng kỳ năm ngoái…

Cơ cấu trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ thành công những tháng gần đây (tỷ đồng)

Công ty Chứng khoán VnDirect vừa có báo cáo về tình hình thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong 2 tháng đầu năm 2021.

Theo ghi nhận của công ty này, trong 2 tháng đầu năm 2021, có 22 doanh nghiệp phát hành riêng lẻ 11.428 tỷ đồng trái phiếu, tương ứng giá trị phát hành giảm 40,9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Xét về cơ cấu, ngành bất động sản chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng giá trị phát hành riêng lẻ, đạt 6.387 tỷ đồng, tương đương 55,9%. Một số công ty bất động sản huy động trái phiếu với giá trị lớn như Công ty Cổ phần Phát triển Bất Động Sản Nhật Quang (2.150 tỷ đồng) và Công ty Cổ phần Đầu tư Smart Dragon (1.900 tỷ đồng). 

Giá trị phát hành riêng lẻ của nhóm tài chính – ngân hàng chỉ đạt mức 490 tỷ đồng, chiếm 4,3% tổng giá trị phát hành. Trong đó chủ yếu là các công ty chứng khoán, dịch vụ tài chính như Công ty Cổ phần Outstanding Investment và Công ty Cổ phần Chứng khoán Thành Công. 

Còn lại là nhóm các ngành khác với tổng giá trị phát hành là 4.550 tỷ đồng, chiếm 39,8% tổng giá trị phát hành. Một số doanh nghiệp phát hành giá trị lớn trong nhóm doanh nghiệp các ngành khác có thể kể đến như Công ty cổ phần Dịch vụ Thương Mại Tổng hợp VinCommerce (1.500 tỷ đồng) và Công ty Cổ phần Tập Đoàn Kido (1.000 tỷ đồng).

Được biết, các doanh nghiệp có xu hướng tập trung ở kỳ hạn 3 và 5 năm khi có tới 12/22 đợt phát hành trái phiếu thành công ở kỳ hạn 3 tới 5 năm.

Cũng trong khoảng thời gian trên, giá trị trái phiếu doanh nghiệp phát hành ra công chúng đạt 4.134 tỷ đồng, bao gồm các đợt phát hành từ Tập đoàn Vingroup, Công ty Cổ phần Giao nhận Vận Tải Ngoại Thương, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Bưu Điện Liên Việt, Công ty Cổ phần Thành Thành Công – Biên Hòa, Công ty Cổ phần Tập Đoàn Hà Đô và Công ty Cổ phần Tập Đoàn Masan. 

Như vậy, lũy kế 2 tháng, tổng giá trị trái phiếu phát hành đạt 15.562 tỷ đồng, giảm 19,6% so với mức 19.347 tỷ đồng năm ngoái. 

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp hạ nhiệt những tháng đầu năm - Ảnh 1.

Giá trị trái phiếu doanh nghiệp phát hành thành công kể từ năm 2020 (tỷ đồng)

Nhóm nghiên cứu tại VnDirect đánh giá, sự giảm nhiệt trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong những tháng đầu năm chủ yếu do các thay đổi trong quy định phát hành theo hướng siết chặt hơn.

Cụ thể, theo Nghị định 155/2020, chỉ có các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp (các nhà đầu tư có năng lực tài chính hoặc có chuyên môn về chứng khoán, ví dụ như ngân hàng thương mại, công ty chứng khoán, quản lý quỹ, …; cá nhân nắm giữ danh mục đầu tư ít nhất 2 tỉ đồng hoặc cá nhân có thu nhập chịu thuế năm gần nhất ít nhất 1 tỉ đồng) được quyền mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ.

Do vậy, các doanh nghiệp có thể đẩy mạnh việc phát hành trái phiếu ra công chúng để tiếp cận thêm nguồn vốn từ các nhà đầu tư cá nhân trong năm 2021. Tuy nhiên điều kiện phát hành trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng cũng đã được siết chặt trong quy định mới nhằm giảm thiểu rủi ro cho nhà đầu tư, đặc biết với đối tượng nhà đầu tư cá nhân.

“Thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong năm 2021 sẽ hạ nhiệt so với năm 2020, tuy nhiên chất lượng trái phiếu sẽ được nâng cao”, nhóm nghiên cứu tại VnDirect đưa dự báo.

Chứng khoán Mỹ xanh rực, S&P 500 lập kỷ lục mới

Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu (26/3), khép lại một tuần đầy biến động…

Các nhà giao dịch cổ phiếu trên sàn NYSE ở New York, Mỹ – Ảnh: Reuters.

Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu (26/3), khép lại một tuần đầy biến động. Dẫn dắt phiên tăng này là những nhóm cổ phiếu được kỳ vọng sẽ hưởng lợi khi nền kinh tế mở cửa trở lại.

Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones tăng tăng 1,4%, đạt 33.072,88 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 1,7%, đạt 3.974,54 điểm – số điểm đóng cửa cao chưa từng thấy và nâng tổng mức tăng từ đầu năm lên 5,8%. Chỉ số Nasdaq có lúc giảm 0,8% trong phiên, nhưng cuối cùng đảo chiều thành công và chốt với mức tăng 1,2%, đạt 13.138,72 điểm.

Cả ba chỉ số đã giằng co trong phần lớn thời gian của phiên, rồi tăng mạnh vào cuối phiên, trong đó Dow Jones nhảy hơn 150 điểm trong 8 phút giao dịch cuối cùng. Trong những phút chót, nhà đầu tư gom mạnh cổ phiếu trên diện rộng. Những cổ phiếu công nghệ đã giảm mạnh gần đây như Apple đồng loạt chuyển sang sắc xanh. Tuy nhiên, tăng mạnh nhất vẫn là các nhóm ngân hàng, năng lượng và nguyên vật liệu.

Hôm thứ Năm, Tổng thống Mỹ Joe Biden công bố mục tiêu tiêm 200 triệu liều vaccine Covid-19 cho người dân nước này trong 100 ngày cầm quyền đầu tiên của ông. Tính đến ngày thứ Sáu, đã có 100 triệu liều vaccine được tiêm kể từ khi ông Biden nhậm chức.

Một cú huých quan trọng cho giá cổ phiếu ở Phố Wall trong phiên này là việc Cục Dự trữ Liên bang (Fed) tuyên bố rằng các ngân hàng có thể nối lại việc mua cổ phiếu và tăng cổ tức bắt đầu từ cuối tháng 6 năm nay. Hạn chế này được Fed áp từ khi Covid-19 trở thành đại dịch, và lúc đầu ngân hàng trung ương này dự kiến sẽ dỡ hạn chế trong quý 1. Dù thời điểm dỡ hạn chế lùi lại, nhà đầu tư vẫn lạc quan về sự minh bạch của Fed.

Giá cổ phiếu JPMorgan Chase tăng 1,7%, trong khi cổ phiếu Bank of America tăng 2,7%.

Nỗi lo lạm phát lắng xuống sau khi dữ liệu thống kê cho thấy áp lực lạm phát giảm bớt. Chỉ số giá tiêu dùng lõi, không tính đến hai nhóm mặt hàng có biến động lớn về giá cả là thực phẩm và tăng lượng, tăng 0,1% trong tháng 3 so với tháng 2. Mức tăng này phù hợp với dự báo của giới phân tích. So với cùng kỳ năm ngoái, chỉ số tăng 1,4%, thấp hơn mức dự báo tăng 1,5% và mục tiêu lạm phát 2% của Fed.

“Dữ liệu lạm phát thấp hơn dự báo củng cố nhận định rằng lợi suất trái phiếu kho bạc có thể điều chỉnh giảm trong ngắn hạn”, nhà phân tích Edward Moya thuộc Oanda nhận xét. “Mức lạm phát cơ sở càng thấp, thì thị trường sẽ càng tin rằng áp lực lạm phát sắp tới, nếu có tăng, cũng chỉ là tạm thời”.

Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm khỏi mức đỉnh của phiên sau khi dữ liệu trên được công bố, nhưng sau đó lại nhích lên. Lúc đóng cửa, lợi suất này tăng 6 điểm cơ bản, đạt 1,67%. Đầu tuần, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm có lúc vượt 1,75%, cao nhất 14 tháng.

Trong khi đó, niềm tin của người tiêu dùng ở Mỹ tiếp tục tăng lên nhờ chiến dịch tiêm chủng ngừa Covid. Một cuộc khảo sát của Đại học Michigan cho thấy chỉ số niềm tin người tiêu dùng đạt 84,9 điểm trong tháng 3, từ mức 76,8 điểm trong tháng 2, và vượt xa mức dự báo 83,7 điểm mà giới phân tích đưa ra trước đó.

Tính cả tuần, Dow Jones tăng 1,4% và S&P 500 tăng 1,6%, trong khi Nasdaq giảm 0,6%. Đà tăng của chứng khoán Mỹ chậm lại trong mấy tuần gần đây, khi nỗi lo về lợi suất tăng và mức định giá bị đẩy lên quá cao khiến cổ phiếu công nghệ bị bán tháo.

“Thị trường đang dần chậm lại, và đây có thể là điều bình thường khi chúng ta bước vào năm phục hồi kinh tế thứ hai”, Giám đốc đầu tư Larry Adam của Raymond James phát biểu. “Ở những giai đoạn như thế này, thị trường sẽ không diễn biến một chiều, mà sẽ có sự giằng co. Nhà đầu tư nên lường trước những đợt giảm và tranh thủ để mua vào”.

Khi nào vốn ngoại hết đảo chiều?

Các doanh nghiệp niêm yết Việt Nam có thể tăng trưởng 20% về kết quả kinh doanh, chỉ số VN-Index có thể lên mức 1.300-1.350 điểm trong năm 2021…

Sức hấp dẫn của thị trường thể hiện ở số tài khoản mở mới của nhà đầu tư trong nước tăng kỷ lục. Tính đến cuối năm 2020, số lượng nhà đầu tư đã đạt gần 2,9 triệu tài khoản.

LÃI TIẾT KIỆM THẤP “ĐẨY” TIỀN VÀO CHỨNG KHOÁN

Tại cuộc toạ đàm về “Triển vọng thị trường chứng khoán năm 2021” tổ chức ngày 26/3, nhận định về sự tăng trưởng của thị trường chứng khoán (TTCK) năm 2021 có tiếp diễn đà tăng trưởng của năm 2020 hay không, bà Tạ Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường chứng khoán, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), kỳ vọng TTCK tiếp tục khởi sắc, dù đại dịch Covid-19 vẫn là nhân tố bí ẩn, là “đám mây che bớt ánh sáng” TTCK Việt Nam. Tuy nhiên, với các yếu tố tích cực từ vĩ mô, các chính sách về kinh tế vẫn ổn định sẽ phát huy hiệu quả trong bối cảnh dịch bệnh.

Đặc biệt, nhà đầu tư được hỗ trợ tâm lý tốt khi vaccine đang được tiêm phổ biến ở các nước và Việt Nam cũng chuẩn bị nghiên cứu áp dụng “hộ chiếu vaccine”.

Ngoài ra, mặt bằng lãi suất tiết kiệm của các ngân hàng thương mại tiếp tục duy trì ở mức thấp cũng là yếu tố khiến đầu tư vào chứng khoán hấp dẫn.

Về phía cơ quan quản lý sẽ tiếp tục các chính sách phát triển thị trường theo hướng bền vững, như ban hành các văn bản, xây dựng TTCK đến năm 2023 tăng về quy mô và tăng chất lượng.

Việc tái cấu trúc thị trường sẽ được triển khai cấp tập trong năm nay vì Quyết định 37 của Thủ tướng Chính phủ về thành lập Sở giao dịch Chứng khoán Việt Nam đã có hiệu lực. UBCKNN đang chuẩn bị để thực hiện việc này. Song hành là tái cấu trúc hàng hoá và hỗ trợ TTCK phát triển theo thông lệ quốc tế. Kỳ vọng hệ thống công nghệ thông tin mới sẽ hỗ trợ thay đổi có tính chất bước ngoặt đối với TTCK.

Sức hấp dẫn của thị trường thể hiện ở số tài khoản mở mới của nhà đầu tư trong nước tăng kỷ lục. Tính đến cuối năm 2020, số lượng nhà đầu tư đã đạt gần 2,9 triệu tài khoản. Tốc độ tăng trưởng mới tài khoản đạt mức cao nhất kể từ khi thành lập thị trường đến nay. Dù vậy, so với tổng dân số Việt Nam, tỷ trọng nhà đầu tư tham gia TTCK vẫn còn thấp so với nhiều nước, đặc biệt là các nước trong khu vực ASEAN.

Theo ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần chứng khoán Kiến thiết Việt Nam, đây là thời điểm tốt để các nhà đầu tư tham gia vào thị trường chứng khoán. Có nhiều yếu tố hỗ trợ thị trường, trên thế giới, các ngân hàng trung ương lớn: Mỹ  (Fed), Châu Âu (ECB), Nhật (BOJ), Trung Quốc (BOC) vẫn thực hiện chính sách nới lỏng tiền tệ, bơm tiền hỗ trợ thanh khoản nhằm khôi phục nền kinh tế. Điều này sẽ giúp cho mặt bằng lãi suất thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây. Tại Việt Nam cũng vậy, lãi suất tiền gửi đang rất thấp khiến nhiều người phải xem xét tới các kênh đầu tư khác ngoài kênh truyền thống là gửi tiết kiệm.

Giải pháp khuyến khích doanh nghiệp chuyển sàn để giúp giảm nghẽn lệnh trên HSX hiện đã có 10 doanh nghiệp tự nguyện. Sắp tới, UBCKNN có thể đề nghị một nhóm ngành nào đó, thí dụ, nhóm ngành chứng khoán sẽ chuyển sang sàn HNX. Như thế mới đủ khối lượng để giảm tải cho sàn HSX nhanh hơn. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra liệu xử lý xong có xảy ra tình trạng nghẽn tại sàn HNX? Nếu các công ty kỹ thuật đảm bảo không nghẽn lệnh, chúng tôi mong muốn làm càng nhanh càng tốt.

– Ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần chứng khoán Kiến thiết Việt Nam –

Ngoài ra, nền kinh tế Việt Nam cũng có nhiều điều kiện để tăng trưởng tốt trong 5 -10 năm tới với sự tăng trưởng GDP trung bình 7%.

Nhìn vào sự hấp dẫn về định giá, các doanh nghiệp niêm yết Việt Nam có thể tăng trưởng 20% về kết quả kinh doanh. Với mặt bằng như hiện nay, chỉ số VN-Index có thể lên mức 1.300-1.350 điểm trong năm 2021.

Các nhóm ngành được kỳ vọng từ việc đẩy mạnh đầu tư công trong giai đoạn sắp tới, như: xây dựng, vật liệu xây dựng, cơ sở hạ tầng, tài nguyên cơ bản, sắt, thép, xi măng, hàng tiêu dùng, công nghệ thông tin, kinh tế số… hay ngành hàng không, du lịch, bất động sản, ngành bán lẻ, tiêu dùng cũng được hỗ trợ nhiều hơn khi dịch qua đi và vaccine được tiêm đại trà, do đó, kỳ vọng nhóm ngành này có sự hồi phục trong 6 tháng cuối năm.

 QUÝ III, VỐN NGOẠI SẼ MUA RÒNG TRỞ LẠI 

Về dòng vốn ngoại đang dịch chuyển khỏi Việt Nam, theo bà Bình đây là điều dễ hiểu vì TTCK Việt Nam vẫn là cận biên, chưa là thị trường mới nổi. Tiêu chí đầu tư của nhiều quỹ lớn nước ngoài, khi có khủng hoảng sẽ rút bớt nguồn vốn ở những thị trường có độ rủi ro cao hơn, chuyển vốn về những thị trường hoặc sản phẩm tài chính có độ an toàn tốt hơn. Kỳ vọng trong quý II, chậm nhất là quý III/2021, nhà đầu tư nước ngoài sẽ quay trở lại Việt Nam vì họ nhìn thấy sự phục hồi của nền kinh tế Việt Nam.

Theo ông Đỗ Bảo Ngọc, nguyên nhân vốn ngoại rút khỏi thị trường đó là lợi suất trái phiếu ở Mỹ và Châu Âu đang gia tăng. Nhưng dòng vốn này sẽ mua ròng trở lại vì chính sách nới lỏng tiền tệ và cam kết duy trì lãi suất thấp của Fed đến cuối năm 2022, điều này khiến lợi suất trái phiếu đang tăng hiện nay chỉ là ngắn hạn.

Trong 3 tháng đầu năm 2021, khối ngoại bán ròng hơn 13.000 tỷ đồng trên TTCK Việt Nam.

Thêm nữa, yếu tố nội tại của doanh nghiệp và nền kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt so với các quốc gia trên thế giới vì ít chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 hơn.

Với việc nhiều luật mới được áp dụng cho TTCK thời gian tới sẽ giúp khơi thông dòng vốn ngoại, chẳng hạn, giảm những ngành nghề kinh doanh có điều kiện, room ngoại sẽ được mở toang đối với ngành nghề không có điều kiện, đây là yếu tố được nhà đầu tư ngoại đánh giá cao.

Đối với vấn đề cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước là câu chuyện riêng có của Việt Nam và rất thu hút nhà đầu tư ngoại. Do đó, hành động mua ròng của nhà đầu tư ngoại sẽ trở lại vào khoảng quý II, quý III/2021 cùng với hồi phục của nền kinh tế và sức khoẻ doanh nghiệp Việt Nam.

Ngoài ra, để TTCK thực sự hấp dẫn hơn nữa, phải phát triển hệ thống công nghệ thông tin hiện đại hơn, để các sản phẩm mới, như: giao dịch T0, mua bán trong ngày, bán khống… được áp dụng, vì pháp luật đã cho phép thực hiện từ ngày 15/3/2021.

Kosy mang ôtô và toàn bộ dự án Kosy Bắc Giang, Thái Nguyên thế chấp vay ngân hàng

Quyền sử dụng đất được cấp tại các dự án Kosy Lào Cai, Kosy Sông Công, Kosy Bắc Giang, Kosy Gia Sàng 11 đang được Tập đoàn Kosy thế chấp cho các khoản vay tại ngân hàng…

Ảnh minh hoạ.

Công ty Cổ phần Kosy vừa giải trình về lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp báo cáo tài chính quý 4/2020 được kiểm toán bốc hơi hơn 3 tỷ đồng so với báo cáo công ty tự lập. 

Theo đó, lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp của báo cáo tài chính Công ty đã được kiểm toán đạt 21,9 tỷ đồng, giảm 13,1% so với số liệu công ty tự công bố 25,2 tỷ đồng. Nguyên nhân do công ty trích thiếu chi phí lãi vay năm 2020. Việc trích thiếu chi phí lãi vay dẫn đến tăng chi phí hoạt động sản xuất kinh doanh, tương ứng giảm lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp. Chi phí lãi vay trong báo cáo tài chính tự lập là 24,8 tỷ đồng trong khi đó báo cáo được kiểm toán ghi nhận lên đến 28,3 tỷ đồng.

Kosy mang ôtô và toàn bộ dự án Kosy Bắc Giang, Thái Nguyên thế chấp vay ngân hàng - Ảnh 1.

Một số chỉ tiêu tài chính khác trong báo cáo tài chính được kiểm toán của Kosy cũng thay đổi so với báo cáo tài chính tự lập. Chẳng hạn như, hàng tồn kho tăng nhẹ. Hàng tồn kho của Kosy chủ yếu là chi phí sản xuất kinh doanh dở dang, tại Dự án Kosy Sông Công là 127 tỷ đồng; Dự án Kosy Lào Cai 389,9 tỷ đồng; Dự án Cầu Gỗ 4 tỷ đồng; Dự án Kosy Gia Sàng 48,6 tỷ đồng; Kosy Bắc Giang 192,9 tỷ đồng; Dự án Kosy Gia Sàng 11 là 195 tỷ đồng. 

Quyền sử dụng đất được cấp tại các dự án Kosy Lào Cai, Kosy Sông Công, Kosy Bắc Giang, Kosy Gia Sàng 11 đang được thế chấp cho các khoản vay tại ngân hàng. Tính đến 31/12/2020, Kosy đã vay 782 tỷ đồng từ các ngân hàng và phát hành trái phiếu. Các ngân hàng chủ nợ của Kosy như Ngân hàng TMCP Quân Đội, Ngân hàng Agribank, Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam…

Cụ thể, Kosy mang toàn bộ Dự án Khu đô thị mới Kosy Phường Xương Giang, thành phố Bắc Giang làm tài sản đảm bảo cho khoản vay 210 tỷ đồng tại Ngân hàng Agribank chi nhánh Hoàng Mai. Toàn bộ dự án Khu đô thị số 11 phường Gia Sàng, Tp Thái Nguyên thế chấp để vay 114,4 tỷ đồng tại Ngân hàng Agribank chi nhánh Hoàng Mai.  Kosy còn mang 11 chiếc ô tô để làm tài sản thế chấp vay gần 5 tỷ đồng. 

Kosy mang ôtô và toàn bộ dự án Kosy Bắc Giang, Thái Nguyên thế chấp vay ngân hàng - Ảnh 2.

Tài sản đảm bảo là quyền sử dụng đất thuộc Khu đô thị Kosy Sông Công, phường Thắng Lợi, Sông Công, Thái Nguyên và xe ôtô để vay 64,2 tỷ đồng. 

Bên cạnh đó, Kosy cũng mang bất động sản tại xã Phú Đô, Mễ Trì, Từ Liêm, Hà Nội và bất động sản tại phường Bắc Cường, Lào Cai để thế chấp 11,4 tỷ đồng. Mang quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất của các thửa đất tại địa chỉ phường Gia Sàng, thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên làm tài sản đảm bảo để vay 15,8 tỷ tại Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam – chi nhánh Đông Anh.

Thế chấp các Quyền sử dụng đất tại Dự án Lào Cai, Khu đô thị mới Lào Cai – Cam Đường, thành phố Lào Cai để vay Ngân hàng liên doanh Việt Nga 46,6 tỷ đồng. Kosy còn vay tín chấp ông Lê Công Thọ 125 tỷ đồng với lãi suất lên đến 12%/năm. 

Với khoản trái phiếu phát hành 153 tỷ đồng được Kosy lấy Các thửa đất đã được cấp sổ đỏ tại dự án Khu đô thị mới Lào Cai làm tài sản đảm bảo. 

Ngân hàng Nhà nước phân loại 17 ngân hàng “có tầm quan trọng” năm 2021

Các cơ quan trực thuộc Ngân hàng Nhà nước phải thực hiện theo dõi, giám sát chặt chẽ, cảnh báo kịp thời các nguy cơ rủi ro trong hoạt động của 17 tổ chức tín dụng này…

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành quyết định phê duyệt Nhóm các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có tầm quan trọng hệ thống năm 2021.

Cụ thể, có 17 ngân hàng thuộc Nhóm các tín dụng có tầm quan trọng hệ thống năm 2021 gồm Ngân hàng Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank); Ngân hàng thương mại cổ phần Á Châu (ACB); Ngân hàng thương mại cổ phần Bưu Điện Liên Việt (LienVietPostBank); Ngân hàng thương mại cổ phần Công Thương Việt Nam (VietinBank); Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV); Ngân hàng thương mại cổ phần Đông Nam Á (SeaBank); Ngân hàng thương mại cổ phần Hàng Hải Việt Nam (MSB); Ngân hàng thương mại cổ phần Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank).

Ngoài ra còn có Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank); Ngân hàng thương mại cổ phần Phát triển Tp.HCM (HDBank); Ngân hàng thương mại cổ phần Quân Đội (MBBank); Ngân hàng thương mại cổ phần Quốc tế (VIB); Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB); Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn – Hà Nội (SHB); Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank); Ngân hàng thương mại cổ phần Tiên Phong (TPBank); Ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank).

Ngân hàng Nhà nước yêu cầu cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện theo dõi, giám sát chặt chẽ, cảnh báo kịp thời các nguy cơ rủi ro trong hoạt động của 17 tổ chức tín dụng nêu trên để ngăn ngừa rủi ro có tính trọng yếu, rủi ro mang tính hệ thống.

Trao đổi với VnEconomy, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết, các ngân hàng trên đang chiếm 70% hệ thống theo cách tính trong Thông tư 08/2017/TT-NHNN và sổ tay giám sát ngân hàng được Thống đốc ban hành.

Trong đó, tại điểm a, khoản 2, Điều 10, Thông tư 08 quy định về phân nhóm theo mức độ ảnh hưởng tới hệ thống thì Ngân hàng Nhà nước đang chia thành 2 nhóm gồm Nhóm các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có tầm quan trọng hệ thống và nhóm còn lại trong hệ thống.

Đồng thời, tiêu chí xác định mức độ quan trọng hệ thống, nội dung giám sát an toàn vĩ mô, tần suất lập báo cáo giám sát an toàn vĩ mô đối với Nhóm tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có tầm quan trọng hệ thống được hướng dẫn tại Sổ tay giám sát ngân hàng do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành. Căn cứ các tiêu chí tại sổ tay giám sát ngân hàng, Chánh Thanh tra, giám sát ngân hàng trình Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quyết định danh sách các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có tầm quan trọng hệ thống trong từng thời kỳ.

Đẩy trụ kéo ngược VN-Index, SHB tạo biến bên HNX

Thị trường hôm nay quá phụ thuộc vào diễn biến của VIC và chỉ số “đi tàu lượn” cũng do mã này. Nếu không có VIC chốt chặn cho chỉ số, thị trường có thể đã sụp đổ vì bán tháo…

Hôm qua VIC đã “ra mặt” nhuộm xanh chỉ số, hôm nay một nhịp trượt giá ở mã này khiến thị trường thót tim. 

Đó là thời điểm giữa phiên sáng khi VIC lao dốc từ 113.500 đồng xuống 111.000 đồng. Tuy VIC không giảm so với tham chiếu nhưng vì gần như toàn bộ thị trường đang giảm mạnh, VIC mất lực lập tức đẩy VN-Index rơi tự do.

Chỉ số này xuyên thủng ngưỡng 1150 điểm rất nhanh. Thậm chí xuống tận 1.137 điểm, mất hơn 25 điểm. Nhờ dòng tiền nhảy vào bắt đáy và đặc biệt là VIC lại được kéo ngược lên, VN-Index thoát khỏi vùng nguy hiểm và kết phiên chỉ còn giảm nhẹ 0,08%, hình thành nên cây nến với thân nến khá mỏng.

Diễn biến này gây đau tim cho các nhà đầu tư. Phiên sáng cả thị trường rực lửa với 407 mã giảm trên HSX, hầu hết các mã vốn hóa lớn cũng đều bay giá. Vn30 lúc đó chỉ còn 3 mã tăng là VIC, HPG và VJC.

Đẩy trụ kéo ngược VN-Index, SHB tạo biến bên HNX - Ảnh 1.

Diễn biến giá VIC (màu xanh) và VN-Index trong phiên hôm nay.

Tình thế đảo ngược nhờ đà lao dốc quá mạnh của chỉ số. Nếu bắt đáy trong phiên, nhiều cổ phiếu đã mang lại lợi nhuận kha khá ngay T0 bởi phần lớn đã giảm mạnh trong nhịp rơi này. 

Ví dụ, trong Vn30, với các nhà đầu tư bắt đáy trong phiên thì chốt phiên đã có mức lãi lớn. Như REE, khoản lãi đã lên hơn 8% bởi nhịp giảm kia đã kéo REE giảm kịch sàn và chốt phiên ở giá xanh tăng 1,12%. POW, SSI, PLX, PNJ, SBT cũng gia tăng hơn 5% vốn cho nhà đầu tư. Có đến 24/30 mã trong rổ có mức giá chốt phiên tăng trên 2% so với mức giá thấp nhất trong ngày. 

Trong đó, HPG, STB, CTG, POW, MBB còn được giao dịch lớn với khối lượng khớp trên 14 triệu đơn vị. Lực bắt đáy dồn ở VN30 khá mạnh khiến chỉ số này kết phiên ở mức tăng 0,22%, giá trị khớp lệnh cũng đạt mức tốt với 6.550 tỷ dù chỉ có 11 mã tăng. Nhờ VN30 mà Vn-Index chỉ giảm giá nhẹ trong khi sắc đỏ vẫn chiếm đa số trên thị trường về cuối phiên (339 mã tăng/122 mã giảm). 

Thanh khoản hôm nay trên HSX mạnh lên nhờ tiền bắt đáy, đột ngột gia tăng mạnh từ 11h10. Đến hết phiên, khớp lệnh HSX đạt 14.194 tỷ, tăng gần 5% so với phiên hôm qua. 

Nhóm ngân hàng đã hồi phục trở lại dù chưa đủ sức lan tỏa quy mô rộng. Nhiều mã hồi về chiều và kết phiên xanh giá như TYCB, VPB, VIB, ACB, HDB, STB. 

VIC vẫn tăng tốt trong phiên hôm nay và đóng góp lớn nhất cho việc kéo tăng Vn-Index. Tuy vậy hiện tượng mua ròng đột biến ở mã này đã dừng lại. Thiếu mã hấp dẫn, khối ngoại quay trở lại bán ròng trên HSX với 283 tỷ đồng. 

Trong khi đó, trên sàn Hà Nội đột ngột xảy ra “biến” ở mã SHB. 

Nếu sáng nay, thị giá SHB còn đang “lềnh bềnh” quanh ngưỡng 17 và nằm dưới tham chiếu thì ở 2 phút cuối cùng của phiên sáng, loạt lệnh đột ngột chất và khớp thẳng giá trần đã đẩy cổ phiếu SHB một mạch tăng 10% trong vòng 2 phút. Nhiều lệnh còn được kê ở bước giá lớn hàng triệu đơn vị, đầu giờ chiều lượng lệnh khớp ở giá trần tiếp tục bung ra, có lệnh khớp hơn 9 triệu cổ phiếu. Đối trọng với SHB là BAB hôm nay vẫn giảm 1,35%. 

Đẩy trụ kéo ngược VN-Index, SHB tạo biến bên HNX - Ảnh 2.

Diễn biến SHB đột ngột tăng trần

Với khối lượng khớp hơn 79,7 triệu đơn vị, nay là một phiên giao dịch có thanh khoản cao lịch sử của SHB, mã này vẫn còn dư bán trần hơn 4,8 triệu cổ phiếu. Tiền vào SHB hôm nay phần lớn là của nhà đầu tư nội khi khối ngoại vẫn tiếp tục bán ròng mã này. Dù tăng giá đột ngột bất thường, song SHB cũng góp phần lớn đỡ chỉ số sàn Hà Nội, đóng góp tăng 3,5 điểm. 

Giá trị khớp lệnh của HNX theo đó mà tăng vọt lên 3.405 tỷ đồng, chỉ số HNX-Index chốt tăng 1,17% trong khi cả HSX và UPCoM vẫn đỏ lửa. 

Chênh lệch mua bán trên HNX hôm nay cũng hẹp nhất trong 3 sàn với 102 mã tăng và 102 mã giảm. Đặc biệt, loạt cổ phiếu thị giá thấp ở HNX hôm nay đã bùng giá trở lại. Cổ phiếu giá dưới 10.000 tăng kịch trần và được mua bán sôi động như ART, TTH, KVC, HHG, ITQ…

Thị giá 30.600 đồng, Biwase phát hành 5,4 triệu cổ ESOP giá 16.000 đồng

Công ty cho biết, số tiền này sẽ dùng để tăng quy mô hoạt động của công ty gồm: Bù đắp nguồn vốn đã ứng trước để góp vào CTCP Nước Đồng Nai (mã DNW) và bù đắp vốn đã ứng trước để đầu tư công ty con CTCP Xây lắp – Điện Biwase…

Sơ đồ giá cổ phiếu BWE từ đầu năm đến nay.

Công ty Cổ phần Nước – Môi trường Bình Dương – Biwase (mã BWE-HOSE) thông báo Nghị quyết HĐQT về việc thông qua phương án phát hành ESOP.

Theo đó, Biwase dự kiến phát hành hơn 5,42 triệu cổ phiếu ESOP, tương đương 2,89% vốn điều lệ trước khi phát hành của công ty với giá phát hành 16.000 đồng/cổ phiếu. Ước tính BWE sẽ nhận về 86,72 tỷ đồng.

Trên thị trường, giá cổ phiếu BWE có giá 30.600 đồng/cổ phiếu và mức giá chào bán ESOP thấp hơn 48% giá thị trường.

Công ty cho biết, số tiền này sẽ dùng để tăng quy mô hoạt động của công ty gồm: Bù đắp nguồn vốn đã ứng trước để góp vào CTCP Nước Đồng Nai (mã DNW) với giá trị cần bù đắp là 53,1 tỷ đồng; và bù đắp nguồn vốn đã ứng trước vào công ty con với giá trị cần bù đắp là 33,62 tỷ đồng.

Được biết, số cổ phiếu không phân phối hết sẽ được HĐQT phân phối tiếp cho các CBCNV khác có nhu cầu mua thêm với giá phát hành không thấp hơn 16.000 đồng/cp.

Thời gian dự kiến phát hành từ quý 2/2020, số cổ phiếu ESOP sẽ bị hạn chế chuyển nhượng 12 tháng kể từ ngày kết thúc đợt phát hành.

Năm 2020, Biwase ghi nhận tổng doanh thu đạt 3.156 tỷ đồng, đạt 100% nghị quyết ĐHĐCĐ năm 2020 (3.150 tỷ), tăng 20% so với năm 2019 (2.631 tỷ đồng) và lợi nhuận sau thuế đạt 527 tỷ đồng, tăng 13% so với năm 2019 (465 tỷ) cổ tức 12% vốn điều lệ.

Mới đây, trong cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2021, Biwase đặt kế hoạch năm 2021 với doanh thu 3.560 tỷ đồng, tăng 17,7% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế tối thiểu 550 tỷ đồng, tăng 2,7% so với thực hiện năm 2020, tỷ lệ thất thoát toàn Công ty giảm 5,3%/năm và cổ tức dự kiến 12%/vốn điều lệ.

CII cần huy động 590 tỷ đồng nhằm thanh toán trái phiếu trước hạn

Số lượng đăng ký mua tối thiểu đối với nhà đầu tư cá nhân là 500.000 trái phiếu (tương đương 50 tỷ) và 3 triệu trái phiếu đối với nhà đầu tư tổ chức (tương đương 300 tỷ đồng)…

Sơ đồ giá CII từ đầu năm 2021 đến nay.

Công ty Cổ phần Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM (mã CII-HOSE) thông báo chào bán trái phiếu ra công chúng.

Theo đó, CII phát hành 5,9 triệu trái phiếu có mệnh giá 100.000 đồng/trái phiếu có thời hạn 36 tháng kể từ ngày phát hành. Kỳ hạn trả lãi là định kỳ 3 tháng/lần kể từ ngày phát hành. Trái phiếu có lãi suất kết hợp giữa lãi suất cố định và thả nổi.

Số lượng đăng ký mua tối thiểu đối với nhà đầu tư cá nhân là 500.000 trái phiếu (tương đương 50 tỷ) và 3 triệu trái phiếu đối với nhà đầu tư tổ chức (tương đương 300 tỷ đồng).

Tổng khối lượng vốn CII cần huy động là 590 tỷ đồng, nhằm thanh toán trước hạn trái phiếu được phát hành bởi tổ chức phát hành ngày 25/2/2019 là 370 tỷ đồng và thanh toán cho trái phiếu được phát hành ngày 19/3/2020 là 220 tỷ đồng.

Đây là loại trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không được bảo đảm bằng tài sản và xác lập nghĩa vụ trả nợ trực tiếp đối với tổ chức phát hành ra công chúng.

Trái phiếu có thứ tự thanh toán ít nhất ngang bằng với các nghĩa vụ chung khác không được bảo đảm (dù là nghĩa vụ hiện tại hay trong tương lai) của Tổ chức phát hành (trừ các trường hợp ưu tiên thanh toán bắt buộc theo các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan).

Thời hạn nhận đăng ký mua và nộp tiền từ ngày 24/3 đến ngày 13/4.

Mới đây, CII thông báo về tình hình triển khai thu giá dịch vụ đường bộ tại trạm thu phí Xa lô Hà Nội và Quốc lộ 1 (đoạn ngã 3 Trạm 2 cũ đến nút giao Tân Vạn) sẽ chính thức thu giá dịch vụ kể từ 0h ngày 1/4 tới.

Trước đó, HĐQT CII thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2021 trình ĐHĐCĐ thường niên thông qua với tổng doanh thu đạt 6.700 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là 615 tỷ đồng. Như vậy, lợi nhuận năm 2021 dự kiến tăng 14,3% so với thực hiện trong năm 2020. Đồng thời, thống nhất huỷ bỏ việc điều chỉnh room ngoại từ 70% xuống 49%.

Đáng chú ý là HĐQT công ty trình Đại hội thông qua việc bổ sung ngành nghề kinh doanh và môi giới bất động sản.

Năm 2020, CII ghi nhận doanh thu đạt 5.379,3 tỷ đồng (cùng kỳ chỉ đạt 1.813 tỷ đồng) và lợi nhuận sau thuế đạt gần 538 tỷ đồng (cùng kỳ lãi hơn 503 tỷ đồng).

Trên thị trường chứng khoán, kết thúc phiên giao dịch ngày 26/3, cổ phiếu CII tăng nhẹ lên mức giá 23.900 đồng/CP.

Hai tháng đầu năm, MWG báo lãi 999 tỷ, bằng 21% kế hoạch năm

2 tháng đầu năm 2021, MWG ghi nhận doanh thu thuần hợp nhất là 21.719 tỷ đồng (tăng 6% so với cùng kỳ) và lợi nhuận sau thuế đạt 999 tỷ đồng (tăng 18% so với cùng kỳ)…

Biểu đồ kinh doanh 2 tháng đầu năm 2021 của MWG.

Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới Di Động (mã MWG-HOSE) vừa công bố kết quả kinh doanh tháng 2/2021.

Theo đó, lũy kế 2 tháng đầu năm 2021, MWG ghi nhận doanh thu thuần hợp nhất là 21.719 tỷ đồng (tăng 6% so với cùng kỳ) và lợi nhuận sau thuế đạt 999 tỷ đồng (tăng 18% so với cùng kỳ). Với kết quả này, MWG đã hoàn thành 17% kế hoạch doanh thu và 21% kế hoạch lợi nhuận sau thuế cả năm.

MWG cho biết, đợt bùng phát dịch Covid lần này diễn ra ngay trong mùa cao điểm bán hàng kéo dài từ cuối tháng 1 đến ngày 10/02 khiến nhiều cửa hàng Thế giới Di động & Điện Máy Xanh nằm trong các khu vực bị phong tỏa hoặc thực hiện giãn cách xã hội phải đóng cửa hoặc hạn chế số lượng khách hàng được phục vụ. Điều này cũng ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của Thế giới Di động/Điện Máy Xanh. 

Tuy nhiên, nhờ các biện pháp quyết liệt của Chính Phủ trong việc kiểm soát dịch bệnh và nỗ lực vượt bậc của tất cả các chuỗi, MWG vẫn duy trì được mức tăng trưởng lợi nhuận đáng kể so với cùng kỳ. Nếu chỉ tính riêng tháng 2/2021, lợi nhuận ròng của Công ty đã tăng hơn 70% so với tháng 2/2020.

Cụ thể: Tổng doanh số của chuỗi Thế giới Di Động và Điện Máy Xanh đạt khoảng 17.700 tỷ đồng, xấp xỉ so với cùng kỳ – trong đó: các ngành hàng tiếp tục ghi nhận mức tăng trưởng dương là gia dụng, máy tính xách tay, đồng hồ; Nhóm điện thoại và điện lạnh duy trì mức doanh số tương đương 2 tháng đầu năm 2020; Sản phẩm điện tử ghi nhận sự sụt giảm do sức cầu tiêu thụ yếu trong mùa Tết năm nay.

Tại thời điểm cuối tháng 2, ĐMX Supermini đã có mặt tại 62/63 tỉnh thành khắp cả nước với tổng số 388 cửa hàng (trong đó, 21 cửa hàng mở mới chỉ trong tháng 2). Lũy kế 2 tháng đầu năm, ĐMX Supermini đã đóng góp khoảng 950 tỷ đồng, chiếm 8% doanh thu của chuỗi Điện Máy Xanh.

Tính tới cuối tháng 2/2021, Bluetronics đã đạt cột mốc 50 cửa hàng bao phủ 13/25 tỉnh thành tại Campuchia. Bluetronics chính thức trở thành nhà bán lẻ thiết bị di động và điện tử tiêu dùng có số lượng cửa hàng cũng như doanh số lớn nhất tại Campuchia.

Tuy nhiên, do diễn biến phức tạp của dịch bệnh tại nước này, các kế hoạch mở mới tiếp theo đang được hoãn lại, tuy nhiên chuỗi vẫn tiếp tục hướng đến mục tiêu đạt điểm hòa vốn EBITDA ở cấp độ công ty trong năm 2021.

Theo MWG, lũy kế 2 tháng đầu năm, doanh thu đến từ các giao dịch online đóng góp hơn 1.635 tỷ đồng, tăng trưởng 34% so với cùng kỳ năm 2020 và chiếm khoảng 8% tổng doanh thu của MWG. Với 1.756 cửa hàng và kênh BHX online, chuỗi BHX ghi nhận doanh thu gần 4.000 tỷ đồng cho 2 tháng đầu năm, tăng 54% so với cùng kỳ. Doanh thu trung bình mỗi cửa hàng đạt hơn 950 triệu đồng cho 20 ngày hoạt động trong tháng 2.

Cũng tại thời điểm 28/02/2021, BHX có tổng cộng 1.756 điểm bán, tăng thêm 6 cửa hàng trong tháng 2 được phân bổ tại 25 tỉnh thành. Ngoài các cửa hàng mở mới trong tháng, BHX đã hoàn tất nâng cấp thêm 3 cửa hàng diện tích hơn 500m2 chủ yếu tại khu vực tỉnh, nâng tổng số cửa hàng loại này lên 242 tại 19 tỉnh thành khu vực Nam Bộ.

Chuỗi BHX dự kiến có hơn 2.000 cửa hàng, trong đó có hơn 500 cửa hàng diện tích lớn 500m2 vào cuối năm 2021. Công ty sẽ duy trì tốc độ mở mới trung bình khoảng 30 cửa hàng/ tháng trong những tháng tới để tập trung nâng cấp cửa hàng 500m2 và cải thiện biên lợi nhuận.

Cuối tháng 2, An Khang có 75 nhà thuốc đang hoạt động (trong đó có 60 điểm bán được sắp xếp đi cùng với mô hình BHX diện tích lớn).